Phát hiện ra sự đa dạng về màu sắc từ các loại rau, củ, quả, hai em Nguyễn Ngọc Bảo Trân và Lê Thanh Hiền, cùng là học sinh lớp 9A8, trường Trung học cơ sở Tăng Bạt Hổ A, Quận 4 đã sáng tạo ra những gam màu quen thuộc để vẽ nên những bức tranh vô cùng sinh động và độc đáo. Với ý tưởng táo bạo đó, các em đã vinh dự mang về cho mình giải Ba tại Ngày hội khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 4 tổ chức năm 2017.
Trên thị trường hiện nay, hầu hết các loại màu dùng để vẽ tranh như màu sáp, màu nước, màu dầu đều được làm ra từ các chất hóa học. Các loại màu trên tuy cho màu sắc đẹp nhưng lại khó tẩy rửa nếu chẳng may bị vẩy lên người, sàn nhà, quần áo. Còn riêng đối với màu tự nhiên thì chúng ta có thể dễ dàng tạo ra từ các nguyên vật liệu là rau, củ, quả, rất dễ tẩy xóa và an toàn cho người sử dụng.
Sau những giờ học, Bảo Trân và Thanh Hiền thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu làm sao để tạo ra những loại màu từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Hai em còn tìm hiểu về màu sắc được sử dụng để vẽ tranh Đông Hồ chính là những màu tự nhiên từ cây cỏ. Đồng thời, các em đã nhận thấy màu sắc đa dạng của các loại thực phẩm được sử dụng hằng ngày. Từ những thông tin trên, Bảo Trân và Thanh Hiền đã hình thành nên ý tưởng chiết xuất màu từ rau, củ, quả để vẽ tranh.
Với thông điệp “Hãy mang những gì gần gũi và thiết thực nhất từ thiên nhiên đến với con người”, chúng em đã nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều màu sắc từ các loại rau, củ, quả để vẽ tranh, mang ý nghĩa thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng”, Bảo Trân chia sẻ.
“Bước đầu thực hiện, chúng em gặp rất nhiều khó khăn, từ công đoạn pha chế đến cách bảo quản màu. Nhưng nhờ được sự hướng dẫn tận tình của cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Tổng Giám thị - Giáo viên bộ môn Mĩ thuật và cô Trương Mỹ Linh, giáo viên bộ môn Mĩ thuật, chúng em đã chế tạo thành công 10 màu sắc từ 10 loại rau, củ, quả mà chúng ta thường sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như, nếu muốn màu trắng thì sử dụng bột sắn, màu đỏ thì dùng củ dền, màu vàng làm từ củ nghệ, màu đen thì dùng hạt cà phê…”, Thanh Hiền cho biết.
Chúng ta sẽ phải trải qua 5 bước trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ để tạo ra một màu cơ bản. Bước một, chọn một số loại rau, củ, quả có thể chiết xuất ra màu và ép lấy nước. Bước 2, cô đặc hỗn hợp trên bằng cách bằng đun sôi phần nước ép; sau đó, tiến hành vẽ thử lên giấy xem màu có đạt hay chưa. Bước 3, tiếp tục đun sôi hỗn hợp trên bằng lửa vừa rồi cho keo bột vào để tạo độ kết dính cho màu. Bước 4, tiếp tục đun hỗn hợp trên với lửa nhỏ cho đến khi màu được sánh lại như mong muốn. Và bước 5, cho vài giọt dầu thông vào để giúp màu được mịn hơn, đây chính là bí quyết giúp cho màu không bị ẩm mốc và sử dụng được lâu hơn.
Bức tranh “Phố cổ Hà Nội” được vẽ bằng màu làm từ các loại rau, củ, quả. |
Qua quá trình sử dụng màu các loại rau, củ, quả để vẽ tranh, các em đã nhận thấy được những ưu điểm vượt trội từ các loại màu tự nhiên trên như: khi vẽ lên giấy thì màu sắc đẹp hơn so với những loại màu khác và không bị phai màu nếu để lâu, màu không cho mùi khó chịu lại rất dễ lau chùi khi bị dính vào tay.
“Việc tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo ra các màu sắc từ các loại rau, củ, quả để vẽ tranh giúp các em học sinh vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tiễn cuộc sống, phát huy khả năng tư duy sáng tạo và cho ra đời những màu sắc tự nhiên lại rất gần gũi, giản dị, mộc mạc, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều lứa tuổi mà không ngại đến vấn đề ảnh hưởng sức khỏe”, cô Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết.
Thanh Duy