Một ngày mùa hè cách đây 106 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Bến Nhà Rồng, trên vùng đất Khánh Hội xưa để làm cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, với mong muốn tìm đường cứu nước, giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ. Đó là cuộc hành trình của thời đại, mang tầm thế kỷ, để rồi 30 năm sau có cuộc trở về vào mùa Xuân năm 1941, Cách mạng Việt Nam có một Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ đức độ, thiên tài, lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách Mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc hành trình mang tầm thời đại của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thể hiện phong cách tư duy mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, phong cách tư duy của một nhân cách lớn, trí tuệ lỗi lạc, một phong cách tư duy khoa học, cách mạng, độc lập, tự chủ và sáng tạo.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, với phong cách tư duy khoa học, cách mạng, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chọn hướng đi đúng theo con đường riêng của mình. Mặc dù Người rất trân trọng và khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của những sĩ phu yêu nước thời bấy giờ, nhưng Người lại chọn cách thức khác trong con đường cứu nước, cứu dân. Từ cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu thực tiễn và điều kiện lịch sử, Người sớm nhận thức được những vấn đề của thời đại mình, và quyết định phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước phương Tây phát triển như thế nào “để về cứu giúp đồng bào mình”. Người đã đến hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, có dịp sống ở những trung tâm văn hóa – khoa học – chính trị nổi tiếng thế giới, đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Người tự nguyện dấn thân vào cuộc sống lao động, thậm chí làm những công việc rất nặng nhọc , với mong muốn được đến tìm xem những gì ẩn đằng sau những “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Những chuyến đi đã giúp Người có cơ hội được quan sát, nhận biết sâu sắc diện mạo của thế giới tư bản chủ nghĩa; trong đó hiện lên rất rõ nét những đặc trưng cơ bản của sự phân hóa, đối nghịch giữa người giàu và người nghèo, giữa những người bị áp bức, bóc lột và những kẻ thống trị nắm quyền uy, giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với một số ít dân tộc đế quốc xâm lược và thống trị. Như vậy, với một tư duy hết sức khoa học, cách mạng đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn hành trình đi tìm đường cứu nước mới cho dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12-1920 (Ảnh tư liệu) |
Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành đặt chân lên nước Mỹ, nơi có bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng thế giới, Người vừa làm thuê kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen. Năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ sang nước Anh, làm những công việc như quét tuyết cho một trường học, rồi chuyển sang nghề đốt lò, sau đó chuyển đến làm thuê, rửa bát đĩa, xoong nồi ở khách sạn; thời gian này đã giúp Người hiểu biết nhiều về chế độ chính trị của xã hội tư bản, về đấu tranh giai cấp giữa công nhân và tư sản. Năm 1917, Người trở về Pháp, hòa mình trong phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi của nước Pháp và tham gia Đảng Xã hội Pháp. Trong hành trình đó, Người đã tiếp xúc với bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, tìm hiểu thực tiễn cách mạng Mỹ, đọc bản tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp, tìm hiểu cách mạng tư sản Pháp; Người đã tìm hiểu, tiếp thu những yếu tố dân chủ, tiến bộ nhân văn của các học thuyết khác; nhưng kể từ khi tiếp xúc với bản Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin (đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) tháng 7 năm 1920), Người đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Từ đó, Người đã nghiên cứu, tìm hiểu Chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Như vậy, với phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đặt cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản.
Cũng với phong cách tư duy độc lập, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không hề coi lý luận của C. Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, mà phải tự mình phát triển hơn nữa, vì lý luận này chỉ đề ra nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng nguyên lý ấy, thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga. Đó chính là quan điểm thực tiễn, cơ sở của sự sáng tạo. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin từ nhu cầu trước mắt là giải phóng dân tộc ở thuộc địa, nên đã biết lựa chọn, tiếp thu những cái cần thiết cho giai đoạn trước mắt của cách mạng Việt Nam, phù hợp với điều kiện lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Vốn là người dân thuộc địa và là người cộng sản dày dặn kinh nghiệm trong phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa,có nhận thức sâu sắc về thuộc địa và chủ nghĩa thực dân, nhất là bằng tư duy độc lập, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò to lớn của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Từ nhận thức ấy, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng đến các tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức...Người khẳng định: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”, “chủ động đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Chính điều này đã làm cho tư duy Người trở nên sáng tạo và mang đậm dấu ấn phong cách tư duy riêng của Hồ Chí Minh.
Chuyến hành trình dài 30 năm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành chuyến ra đi lạ lùng, vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Với phong cách tư duy khoa học, độc lập và sáng tạo, từ người đi tìm đường, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành người mở đường, người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam phát triển. Kỷ niệm 106 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2017), mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước mãi mãi ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, làm cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đồng thời kiên định con đường mà Người đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; tiếp tục “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Nguyễn Văn Hóa
(tổng hợp)