“Tết này anh (chị) có về quê không?” Câu hỏi chỉ vỏn vẹn vài từ nhưng lại mở ra nhiều câu chuyện, nhiều lời chia sẻ, tâm sự của nhiều người con đến từ nhiều nơi khác nhau trên mọi miền Tổ quốc. Tết này, với họ vẫn là sự lao động, vẫn là sự cống hiến, miệt mài thực hiện những công việc, trách nhiệm vốn có của bản thân. Nhưng dường như những lời chia sẻ, tâm sự của họ dài hơn, chứa đựng nhiều nỗi niềm hơn…
“Đường phố sạch đẹp thì mọi người chơi Tết cũng vui hơn”
Do tính chất công việc, người công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố nói chung và Quận 4 nói riêng thường phải làm việc xuyên Tết để thu gom, xử lý rác thải. Không ít người xa quê, nhiều năm không thể đón giao thừa cùng gia đình. Anh Lê Minh Khang, công nhân vệ sinh môi trường Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 4 cũng không ngoại lệ.

Anh Lê Minh Khang đã 5 năm làm việc xuyên Tết để thu gom, xử lý rác thải môi trường. |
Hơn 5 năm không có cho mình trọn vẹn một cái Tết đoàn viên, anh Khang chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều làm việc tại TPHCM, gửi các con nhỏ dưới quê với ông bà. Tết đến không về với các con tôi cũng chạnh lòng lắm, chỉ mua ít quà gửi về cho ông bà với hai đứa nhỏ, nhớ quá thì chỉ có cách gọi video về nói chuyện với các con thôi, còn anh chị ở đây tiếp tục công việc của mình. Làm xuyên Tết dù có vất vả hơn nhưng vì trách nhiệm với công việc và sự động viên tinh thần lớn của công ty cũng như các anh chị em đồng nghiệp khác, anh thấy mình vẫn còn nhiều tích cực lắm. Mặc dù ăn Tết xa nhà nhưng xung quanh anh cũng đều là không khí Tết mà, với lại mình dọn đường phố sạch đẹp thì mọi người chơi Tết cũng vui hơn, bản thân mình cũng phấn khởi hơn!”.
“Sống ý nghĩa, có trách nhiệm thì ngày nào cũng là Tết”
“Tết này cô không có về, ở lại bán miết luôn con”, cô Lâm Thị Thu Thủy, quê tỉnh An Giang vừa tươi cười nói chuyện vừa thoăn thoắt đôi tay pha nước uống cho khách. Mỗi dịp Tết, cô thường xem xét tình hình buôn bán thế nào mới đưa ra quyết định có về quê ăn Tết hay không, và Tết năm nay, cô chọn ở lại Thành phố để tiếp tục bán hàng. “Tại cô sợ khách tìm đến mua mà không thấy chiếc xe bán sữa đậu nành của cô thì Tết thấy thiếu thiếu, không trọn vẹn…”, cô Thủy nói đùa.

Đối với cô Thủy, sống trọn vẹn không chỉ mỗi dịp Tết, mà đó còn là hành trình sống hướng đến hạnh phúc mỗi ngày. |
Nói về cảm xúc cá nhân khi xa quê dịp Tết này, cô chia sẻ: “Sống tới tuổi này rồi, buồn vui trải qua hết trơn, cô biết cô nhớ nhà nhưng cô không buồn nhiều nữa, vì mình còn nhiều thứ phải làm, còn phải lo cho cuộc sống. Cô cũng tâm niệm là mình sống trọn vẹn đâu phải mỗi dịp Tết, với cô, sống vui, sống ý nghĩa, sống có trách nhiệm và luôn hướng đến hạnh phúc thì mỗi ngày đều là Tết rồi.”
“Chỉ mong kiếm thêm thu nhập để lo cho các con cuộc sống đầy đủ”
Gần 50 tuổi, nhưng năm nay là năm đầu tiên anh Hoàng Ngọc Hưng, quê tỉnh Đắk Lắk đón Tết tại TPHCM. Chia sẻ về những tâm tư khi lần đầu đón Tết xa nhà, anh lại ít nói về bản thân, mà anh lo cho tương lai của các con hơn cả: “Anh còn sức khỏe thì làm xuyên Tết kiếm thêm thu nhập cũng không vấn đề gì, anh làm để có vốn tích góp lo cho tương lai các con, để mấy đứa sau này có cái vốn, không bị thua thiệt với bạn bè quá nhiều. Nhìn nhiều gia đình khác được đoàn tụ thành viên, anh cũng tủi thân chứ, nhưng anh không bi quan đâu, Tết năm nay mình không về thì năm sau mình về, năm sau không về thì năm sau nữa về, chỉ biết là mình nhất định sẽ về…”.

Anh Hoàng Ngọc Hưng, nhân viên bảo vệ Cửa hàng Satrafoods Quận 4. |
“Xa nhà để vững chãi hơn và biết trân trọng tình cảm gia đình nhiều hơn”
Đối với những người trẻ, xa nhà vừa là thử thách, vừa là cơ hội để rèn luyện cho bản thân sự tự tin, bản lĩnh và trưởng thành. Trái với sự háo hức, phấn khởi của bạn bè khi được trở về quây quần bên gia đình dịp Tết, năm nay, em Nguyễn Quốc Khánh, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành lại chọn cho mình một cái Tết có phần trầm lắng hơn và suy tư nhiều hơn.

Em Nguyễn Quốc Khánh coi việc xa nhà dịp Tết là sự thử thách ý nghĩa cho hành trình tuổi trẻ. |
Đây đã là năm thứ 2 em Khánh không về quê ăn Tết, em chọn ở lại Thành phố để làm xuyên Tết, kiếm thêm thu nhập phụ giúp cho gia đình. “Tết năm nay em cảm nhận được niềm vui song song với nỗi buồn, buồn vì mình không thể đoàn tụ cùng gia đình trong những khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng, nhưng vui vì em sẽ có thêm nhiều bản lĩnh, nhiều suy nghĩ mạnh mẽ, tích cực hơn và em cũng gặp được nhiều bạn mới, nhiều trải nghiệm mới. Do đó, em coi đây là sự thử thách ý nghĩa cho hành trình trưởng thành của chính mình, để mình vững chãi hơn và biết trân trọng tình cảm gia đình nhiều hơn”, em Khánh chia sẻ.
Cho dù con người ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào và mang trong mình nhiều tâm tư, tình cảm thế nào, thì thời gian vẫn cứ trôi, cuộc sống vẫn vận hành liên tục. Có những con người phải gạt đi nỗi nhớ trực trào và nhiều cảm xúc tiếc nuối, hy vọng đan xen, để tiếp tục bước ra ngoài kia, hòa chung vào dòng chảy vội vàng của xã hội để tìm cho mình một “điểm neo”, đó có thể là vật chất, cũng có thể là tinh thần. Nhân dịp năm mới, chúc cho họ, và chúc cho cả chúng ta sẽ có một khởi đầu mới bình an, đủ đầy và yêu thương thật nhiều…
Phương Ngân