Sáng ngày 02/12/2024, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 4 tổ chức Lễ chào cờ đầu tuần. Dự Lễ chào cờ có các đồng chí Thường trực Quận ủy; Ban Thường vụ Quận ủy; lãnh đạo UBND Quận 4; cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm Hành chính Quận 4.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Trung tâm Hành chính quận thực hiện nghi thức chào cờ |
Đồng chí Vũ Trọng Sùng trình bày cảm nghĩ qua câu chuyện về Bác. |
Sau nghi thức chào cờ, đồng chí Vũ Trọng Sùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận trình bày mẫu chuyện “Tình cảm của Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam” trích theo nguồn báo Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 09/12/2020.
Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc lo cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, nhưng Bác Hồ đã dành nhiều tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục quân đội từ việc lớn đến việc nhỏ. Việc lớn, Bác dạy: “Toàn thể cán bộ và chiến sĩ cần phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, cần phải nâng cao lập trường và tư tưởng của giai cấp công nhân, cần phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng, ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật, cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân”. Việc nhỏ, Bác căn dặn bộ đội không bao giờ được tơ hào từ cái kim, sợi chỉ của Nhân dân và phải kính yêu dân, tôn trọng dân, bảo vệ dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Đầu năm 1954, Bác làm việc tại Chiến khu Việt Bắc. Thời tiết giá rét nên một chiến sĩ đi tuần đêm nhiễm lạnh bị ho. Biết chuyện, Bác lấy chiếc áo trấn thủ của mình đưa cho người lính mặc để đỡ rét, nhưng anh không dám nhận. Bác ân cần nói: “Chú cứ giữ lấy mà mặc. Bác đã có áo khác”. Rồi Bác tự tay khoác chiếc áo vào vai người chiến sĩ trẻ khiến anh vừa bối rối, vừa cảm động khôn cùng.
Tháng 7/1967, thời tiết giữa hè nóng như thiêu như đốt, thương các chiến sĩ phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình không đủ nước uống, Bác đã dành số tiền tiết kiệm của mình tặng lực lượng bộ đội phòng không Hà Nội để có tiền mua thêm nước giải khát trong những ngày hè nắng nôi.
Sinh thời, Bác nhiều lần ra tận trận địa hỏi thăm bộ đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện, trực chiến. Trong hoàn cảnh nước nhà kháng chiến còn nhiều khó khăn, Bác luôn động viên Nhân dân hăng hái lao động sản xuất để có nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, để bộ đội có điều kiện ăn no, đánh thắng. Mong muốn bộ đội có cuộc sống no đủ, Bác huấn thị cho những người làm công tác hậu cần quân đội: “Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”. Đối với các cấp chỉ huy trong quân đội, Bác yêu cầu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.
Qua mẫu chuyện, chúng ta thấy được Bác Hồ là biểu tượng đẹp đẽ về lòng yêu nước chân thành mãnh liệt và tình yêu thương con người vô hạn. Dù là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc nhưng người lại vô cùng giản dị, gần gũi với tất cả mọi người. Bác không đặt ra quyền lợi gì cho bản thân, mà luôn ân cần, quan tâm đến những điều nhỏ bé, bình dị của mọi người. Học tập và làm theo tư tưởng đó, Chi bộ Hội Cựu chiến binh quận luôn học tập làm theo đức tính quan tâm, giúp đỡ mọi người của Bác; luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tích cực vận động hội viên tham gia tích cực các phong trào, cuộc vận động Thành phố, quận phát động, đặc biệt là các phong trào, hoạt động vận động nguồn quỹ ủng hộ người nghèo, người khó khăn, giúp nhau làm kinh tế…
Tâm Tâm