Gần 10 năm gắn bó với công tác đồng hành, giáo dục cho trẻ em khuyết tật, cô Phạm Thị Vũ Hậu, giáo viên Trường Chuyên biệt 1 Tháng 6, Quận 4 chưa bao giờ cảm thán khó khăn, trở ngại mà còn rất đỗi tự hào khi những việc mình làm đã góp phần hỗ trợ trẻ em kém may mắn thay đổi cuộc đời.
Luôn tận tụy với công việc
Tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM năm 2015, trải qua hơn 9 năm công tác, cô giáo Phạm Thị Vũ Hậu (sinh năm 1993) luôn nỗ lực, không ngừng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô kể, giai đoạn đầu công tác với nhiều bỡ ngỡ và rất nhiều khó khăn khi bắt đầu tiếp xúc, làm quen với những học sinh rất đặc biệt, khi mỗi em đều đang mang trên mình những nỗi đau khác nhau, phải có cách giáo dục, thấu hiểu riêng với từng cá tính, tâm hồn của các em. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ tập thể sư phạm nhà trường, đồng nghiệp và tự nghiên cứu, tìm tỏi, học hỏi qua sách vở, phương tiện truyền thông… cô Hậu dần tìm ra phương pháp tối ưu nhất để dạy học sinh, làm bạn với trẻ khuyết tật.
Cô Phạm Thị Vũ Hậu luôn tạo không khí vui tươi, gần gũi khi giảng dạy cho trẻ khuyết tật. |
Hiện nay, tìm giáo viên gắn bó với trường lớp vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn cực khổ hơn rất nhiều khi phải chăm lo cho từng em đang mang trên người những nỗi đau không ai giống ai. Trong lớp mỗi em một dạng khuyết tật, em thì bị câm điếc, em bị hội chứng Down, bị tim bẩm sinh, huyết tán… Tuy vậy, cô Hậu luôn cảm thấy vui vẻ và yêu công việc giảng dạy mỗi khi bên các em.
Dù vất vả, khó khăn nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm, chia sẻ với các em nên cô giáo Hậu luôn cố gắng làm việc tận tụy. Công việc chăm sóc và dạy bảo các em đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, dành nhiều tình thương cho các em và cô luôn coi các em như con, em của mình. Theo cô Phạm Thị Vũ Hậu, khó khăn lớn nhất của giáo viên dạy trẻ khuyết tật hiện nay đó là làm sao để phụ huynh chấp nhận việc con mình bị khuyết tật và đồng hành với giáo viên trong việc dạy dỗ trẻ. Nếu phụ huynh đồng hành, phối hợp tốt với giáo viên, nhà trường thì sẽ giúp trẻ mau chóng tiến bộ. Nhận thức về điều đó, cô Hậu đã đem sự chân thành và lòng nhiệt tình của người giáo viên để mở cánh cửa trở ngại về mặt tâm lý của phụ huynh. Việc làm mà cô đã và đang áp dụng rất hiệu quả chính là sau mỗi giờ học, cô đều dành một khoảng thời gian để trò chuyện, tâm sự với phụ huynh của các trẻ, để phụ huynh có thể hiểu hơn về con của mình, tháo gỡ trở ngại về mặt tâm lý và từ đó đồng hành, thương trẻ nhiều hơn.
Đồng cảm, yêu thương học sinh
Với đặc thù giảng dạy lớp học đặc biệt nên phương pháp dạy cũng đặc biệt, cô giáo Phạm Thị Vũ Hậu tâm sự: “Các em đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn chỉ cho các em từng con chữ cho đến việc học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng”. Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật như vậy, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp cô lại vào internet, đọc sách, xem tư liệu… để tìm hiểu học tập thêm kinh nghiệm của những thầy, cô đã có thâm niên trong việc dạy trẻ khuyết tật. Nhờ đó, cô Hậu rút ra những phương pháp dạy và trang bị thêm kiến thức cho mình để truyền đạt cho các em một cách phù hợp nhất.
Nhìn thấy học sinh tiến bộ từng ngày là niềm hạnh phúc của cô Phạm Thị Vũ Hậu. |
Trong lớp, có em vừa được dạy viết tên xong nhưng khi quay lại hỏi thì quên rồi, cô Hậu lại phải chỉ bảo lại từ đầu. “Dạy trẻ khuyết tật mình phải từ từ hướng dẫn cho các em từng nét chữ, hình vẽ, con vật… các em dần dần mới hiểu được. Cũng có em học 2-3 năm rồi vẫn học lớp một vì bị thiểu năng trí tuệ không đọc, viết được chữ. Có em cả lớp đang học mình lại hét lên chạy ra ngoài chơi… Do vậy, mình phải thật sự kiên trì, chịu khó nắm bắt tính cách, hành vi của từng em, đồng thời phải có sự đồng cảm, yêu thương để giúp các em khắc phục dần dần”, cô giáo Hậu bộc bạch.
Theo cô Phạm Thị Vũ Hậu, dù chuyên môn giỏi đến đâu nhưng người giáo viên đến với trẻ khuyết tật không có lòng nhân ái, không yêu nghề, không chấp nhận khó khăn khi tiếp cận trẻ, không nhẫn nại, không bao dung, không đồng cảm với trẻ và với phụ huynh thì sẽ khó gắn bó được với nghề. Vì giáo dục một học sinh có thể chất và trí tuệ bình thường đã là cả một quá trình rất lâu, rất khó, thì giáo dục một học sinh khuyết tật, có nhiều khiếm khuyết lại càng phải đòi hỏi nhiều yếu tố hơn nữa, đặc biệt là phải thật sự thương và hiểu các em.
Dành rất nhiều tâm huyết, thời gian cho các em, muốn các em được phát triển cả về thể chất và tinh thân, ngoài giờ học chữ cái, cô Hậu tổ chức cho học sinh vui chơi, múa hát, hoạt động thể chất… tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp để các em phấn khởi, cởi mở vui chơi cùng các bạn. Vào các dịp lễ, chương trình văn nghệ của trường, cô Hậu cũng mạnh dạn tập luyện và hướng dẫn các em tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ để giúp các em ngày càng tự tin, hoạt bát, không mặc cảm.
“Bản thân đúc kết được kinh nghiệm để có thể thành công, hiệu quả khi dạy trẻ khuyết tật là giáo viên không thể hấp tấp hay rập khuôn, yêu cầu trẻ tiến bộ ngay lập tức, mà cần đồng hành với trẻ, làm bạn cùng trẻ, cùng phụ huynh. Các em có suy nghĩ, thái độ, hành vi rất khác với trẻ em bình thường, trẻ phải thật sự yêu mến, tin tưởng cô thì mới chịu hợp tác với cô. Vì thế, để các em phối hợp thì phải kiên nhẫn, lắng nghe, gẫn gũi với các em từng chút một. Mục đích cuối cùng của giáo viên là giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống bình thường!”, cô Phạm Thị Vũ Hậu chia sẻ.
Với sự nhiệt tình, tìm tòi các phương pháp dạy học phù hợp với từng em, tận tâm giúp đỡ cho các em phát triển toàn diện, nên cô giáo Hậu nhận được rất nhiều sự tin tưởng, chia sẻ, đồng hành của phụ huynh học sinh. Bà V.X.Q, phụ huynh học sinh của Trường Chuyên biệt 1 Tháng 6 cho biết, con trai tôi có khiếm khuyết về trí tuệ, khó nhớ, mau quên, đặc biệt là các con chữ, tập trung chú ý kém, có một số hành vi của trẻ tự kỷ. Khi theo học tại trường, bé được các cô giáo, nhân viên chăm sóc và dạy bảo rất tận tình, đặc biệt là cô Hậu. Bằng tình yêu thương, sự nỗ lực, cô đã tìm kiếm đa dạng các biện pháp để giúp cho trẻ toàn diện. Tiêu biểu nhất là bé đã học được cách chơi với bạn, tự tin khi phát biểu trước lớp, giảm bớt một số hành vi chưa tốt của bé và hòa nhập được với môi trường bên ngoài.
Cô Võ Hữu Duy An, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt 1 Tháng 6 chia sẻ: “Cô Phạm Thị Vũ Hậu là một giáo viên năng động, sáng tạo, mẫu mực, chịu thương, chịu khó trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Cô rất tâm huyết với nghề, tích cực tham gia các phong trào do nhà trường, địa phương tổ chức. Cô luôn hòa đồng với mọi người xung quanh, hòa nhã với cha mẹ học sinh, yêu thương trẻ; có tinh thần đoàn kết, thường xuyên chia sẻ, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp. Cô giáo Hậu còn là tấm gương sáng trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng với lòng yêu nghề, mong muốn đem đến điều tốt đẹp cho trẻ chưa may mắn, khiếm khuyết và sự phấn đấu không ngừng của bản thân, cô xứng đáng là một người giáo viên trẻ tiêu biểu, nhiệt huyết của nhà trường”.
Cô Hậu kiên nhẫn hướng dẫn các em về màu sắc của hoa. |
Với những cống hiến trong công tác giảng dạy tại trường và tình thương dành cho trẻ khuyết tật, cô giáo Phạm Thị Vũ Hậu đã vinh dự nhận được nhiều khen thưởng, tuyên dương của các cấp. Gần nhất, cô đã được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm học 2023 - 2024. Nhưng hơn hết, niềm hạnh phúc lớn nhất mà cô nhận được chính là được làm nghề, được dạy dỗ trẻ em khuyết tật, được đồng hành và nhìn thấy các em trưởng thành, có sự phát triển về thể chất, tinh thần và sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Nguyên Tam