|
|
|
|
|
|
|
Tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
|
|
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một quá trình kết hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất, kinh doanh và quản lý. CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam có những bước tiến nhanh, dần được ghi nhận trên bản đồ công nghệ thông tin - truyền thông thế giới. Qua đó, nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững; doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia…
Nhận thức được lợi ích của CMCN 4.0, Đảng và Nhà nước ta đã có định hướng xây dựng chính sách và một số chương trình để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh tới ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 2289/QĐ-TTg). Cụ thể là chủ động và tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, Chiến lược định hướng áp dụng và phát triển các công nghệ của CMCN 4.0 giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước thông minh hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn; đem lại sự hài lòng cao cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để nâng cấp, chuyển đổi hệ thống sản xuất và kinh doanh hiện tại để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, cắt giảm chi phí, tìm kiếm thêm thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện nâng cấp, chuyển đổi công nghệ bao gồm: Hành chính công, điện - nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, vận tải và kho vận, thương mại, thông tin và truyền thông, tài chính - ngân hàng. Các công nghệ ưu tiên phát triển bao gồm: Kết nối di động 5G và sau 5G; trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, an ninh mạng...
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…
Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 4
|
|
Số lượt người xem:
206
|
|
|
|
|
|
|