Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng ta. Từ khi Đảng ra đời (1930), công tác dân vận được Đảng ta xem là một trong những công tác có tầm quan trọng đặc biệt. Để khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận, trong bài báo "Dân vận", đăng Báo Sự Thật vào ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra 4 vấn đề: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Và Người chỉ rõ: bản chất dân chủ của chế độ ta là xã hội mới: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Rồi Người gút lại: ở chế độ, xã hội ta tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Hiểu theo tinh thần của Chủ thịch Hồ Chí Minh, nước là nước Dân chủ nên dân là chủ và làm chủ. Là chủ và làm chủ là hai mặt của vấn đề dân chủ. Dân đã là chủ thì dân phải làm chủ, có quyền làm chủ. Như vậy, quyền làm chủ bao trùm của dân là làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của chính mình. Đã là người chủ thì không phải chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ, có trách nhiệm của người chủ, của người công dân được làm chủ. “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn chăm lo xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đây là mối quan hệ rất đặc biệt: Đảng vừa là người lãnh đạo, cầm quyền, vừa là người phục vụ Nhân dân, còn Nhân dân tự giác thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Do đó, để tạo được sức mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho". Muốn vận động được mỗi một người dân, thì mọi vấn đề Phải cho dân biết, giải thích cho dân hiểu, hướng dẫn cách cho dân làm, động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Và "Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân". Sau khi thi hành thì phải Tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra: Ai phụ trách dân vận? Và Người hướng dẫn luôn: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,v.v.) đều phải phụ trách dân vận”. Kết luận bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp làm công tác dân vận với những từ ngữ ngắn, súc tích: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ tư tưởng trọng Nhân dân, tin Nhân dân, xem Nhân dân là đối tượng phục vụ; đem lại cho mỗi người chúng ta nhận thức rất đầy đủ và bổ ích về công tác vận động Nhân dân; nếu chúng ta chú tâm sẽ rất dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo. Thực hiện theo đúng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì lực lượng làm công tác dân vận của nước ta chính là lực lượng của cả hệ thống chính trị (Đảng, chính quyền, đoàn thể - và có thể mở rộng ra toàn xã hội ...). Thực tế, trên địa bàn Quận 4 của chúng ta, những phong trào lớn trong vận động Nhân dân đều có sự đóng góp rất quan trọng của hệ thống chính trị Quận (phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì người nghèo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Mùa hè xanh tình nguyện,” Cựu chiến binh gương mẫu”... Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ 2009, đã xuất hiện nhiều mô hình mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn Quận 4 của chúng ta!
Trong thời gian tới, để công tác dân vận ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, cần tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa chủ trương đầu tư các công trình, dự án liên quan đến đời sống của Nhân dân (nhất là chủ trương thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư); cần gắn công tác dân vận trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại các địa phương; cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để thật sự đi vào đời sống Nhân dân; cụ thể hóa quy trình, quy chế phối hợp trách nhiệm cụ thể của hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong tổ chức thực hiện các lĩnh vực thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho Nhân dân; thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp dân, đối thoại và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân; nâng cao hiệu quả thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, đầu tư, cấp giấy phép xây dựng; hạn chế đến mức thất nhất việc trả hồ sơ trễ theo giấy hẹn; công tác đào tạo và bố trí cán bộ, công chức tiếp dân, thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Nhân dân cần có chuyên môn, đạo đức tốt ...
Người dân cùng tham gia quét dọn, vệ sinh môi trường. |
Kỷ niệm 70 năm bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tất cả mọi người dân càng hiểu được, thấy được tầm quan trọng của công tác dân vận của Đảng qua các giai đoạn lịch sử và cách mạng. Hiện nay, đất nước chúng ta đã hòa bình, thống nhất, đang thực hiện xây dựng nền kinh tế theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác dân vận càng rất quan trọng. Chúng ta phải nhớ mãi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Nguyễn Ngọc Cơ