Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (02/9/1945), mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến giới doanh nhân, công thương Việt Nam.
Văn kiện đầu tiên của Đảng về sứ mệnh doanh nhân
Ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ. "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân" - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bức thư của Bác gửi giới doanh nhân Việt Nam 7 thập niên trước thực sự đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân.
Trong thư Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) ngày 19/5/1955. |
Miền Bắc được giải phóng, đầu tháng 11/1955, khi gửi thư tới Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp, Bác viết: “Đảng và Chính phủ tin cậy cán bộ, giao cho cán bộ nhiệm vụ chủ chốt, nhiệm vụ quản lý. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ ta phải luôn luôn cố gắng làm trọn nhiệm vụ, mới xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Chính phủ và của Nhân dân. Muốn như vậy thì cán bộ ta phải cố gắng quản lý thật tốt các xí nghiệp, phải bảo đảm kinh doanh có lãi cho nước nhà…”.
Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất (tổ chức tại Hà Nội ngày 31/5/1956) với sự tham dự của 354 đại biểu, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngành thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho Nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ Nhân dân…”.
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) tháng 4/1962, trong phần định hướng công tác lãnh đạo về công nghiệp, Người nhấn mạnh: “Cái chìa khóa của việc phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì đẩy mạnh quản lý xí nghiệp và cán bộ, công nhân phải thạo kỹ thuật; các cơ quan lãnh đạo thì phải đi sâu đi sát, phục vụ sản xuất”.
Vẫn nguyên tính thời sự
Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13/10/1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu.
Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất... Những chỉ dẫn cụ thể đó của Bác vẫn đang có ý nghĩa thời sự đối với cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, điểm có giá trị đột phá lý luận ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là quan điểm tạo điều kiện và mở ra vận hội tối đa cho doanh nhân, kinh tế tư nhân làm giàu trong khuôn khổ pháp luật. Vượt lên trên những định kiến giai cấp đương thời, ngay sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, Bác đã xác định: “Cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông, tài chính… Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính, giao thông để tích cực tham gia sản xuất, lưu thông buôn bán”.
Người đã nhiều lần chỉ rõ: Chính phủ không chủ trương xóa bỏ, tước đoạt toàn bộ kinh tế tư nhân mà vẫn sử dụng nó như một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế. Bác không lo sợ dân chúng làm giàu, không sợ sự lớn mạnh, bành trướng của các loại hình kinh tế tư nhân trong điều kiện chính quyền đã thật sự thuộc về tay Nhân dân và vì lợi ích của đại đa số người lao động.
Như vậy, làm giàu, sự phân tầng thu nhập giữa các nhóm dân cư bằng năng lực và trí tuệ chân chính là một hiện tượng tích cực của quá trình tiến hóa xã hội. Những người giàu có, biết làm giàu cho mình và tham gia làm giàu cho xã hội, ở mức độ nào đó, đại diện cho tinh hoa của dân tộc. Chính nhận thức và quan niệm này đã mở ra “thời kỳ phát triển vàng son” của doanh nhân, kinh tế tư nhân vào những năm 1954-1960.
Từ năm 2004, ngày 13/10 hàng năm được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, theo quyết định số 990/QĐ-TTG, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành ngày 20/9/2004. Ngày Doanh nhân Việt Nam không đơn thuần chỉ là một ngày lễ kỷ niệm, mà còn là ngày để tôn vinh giới doanh nhân Việt Nam, phát động tinh thần kinh doanh trong xã hội; ngày đề cao vai trò, vị trí của giới doanh nhân Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho xã hội.
74 năm sau ngày gửi thư tới giới Công - Thương và 50 năm ngày Bác đi xa, tư tưởng, những lời căn dặn của Người vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nước ta. Từ những tiên định, tư duy uyên bác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin vào giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, coi đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện cao cả của Người.
TTVH (theo Doanh nhân và Pháp luật)