Chỉ 3 tuần lễ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam Bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Hơn 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam Bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
Lúc 7 giờ sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ (sau đổi tên thành Ủy ban kháng chiến) họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung Ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động Nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong tỏa địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ Kháng Chiến. Chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay những ngày đầu quân và dân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chất của chúng. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước. Nhiều tỉnh Nam Bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược. Chỉ 2 ngày sau tiếng súng của Nam bộ kháng chiến, ngày 25/9/1945, Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền từ tay giặc Nhật bại trận. Quân đội Anh, được lực lượng đồng minh phân công vào miền Nam giải giáp quân Nhật. Thực dân Pháp cũng thừa cơ hội ấy muốn chiếm lại Sài Gòn. Người Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định, với quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, dù trang bị rất kém so với kẻ thù, đã anh dũng đứng lên, quyết liệt đánh trả, đốt kho súng của địch, phát huy lối đánh du kích, kìm chân địch trong thành phố, để nông thôn miền Nam và cả nước có thời gian chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.
Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23/9/1945). |
Tinh thần bất diệt của Nam bộ kháng chiến là tinh thần quật khởi, tiếp nối truyền thống yêu nước hơn 4.000 năm của dân tộc trong chiến tranh giữ nước, dùng vũ lực kháng vũ lực, cần nổ súng khi phải nổ súng. Ngày 27/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc. Người nêu cao lẽ sống “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” của Nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của Nhân dân cả nước, Nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.
Lịch sử Nam Bộ kháng chiến của Nhân dân ta là bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Tinh thần ấy không ngừng được vun bồi và phát huy trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước hôm nay. Thời gian sẽ tiếp tục đi qua, nhưng kinh nghiệm quý báu của Nam Bộ kháng chiến vẫn luôn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử, góp phần soi sáng cho sự nghiệp cách mạng hôm nay và mãi mãi về sau.
TTVH