Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của cả hệ thống chính trị nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta hướng tới nghề cá bền vững và có trách nhiệm, lâu dài…
Chưa tạo được bước đột phá
Phát biểu chỉ đạo hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mặc dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ban ngành và các tỉnh ven biển, song chưa tạo được bước đột phá trong công tác chống khai thác IUU.
Đặc biệt là tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra phổ biến, chưa có dấu hiệu chấm dứt; Công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt; Xử lý các hành vi khai thác IUU chưa nghiêm, chưa triệt để; Nguồn lực cho hoạt động chống khai thác IUU chưa được đầu tư đúng mức…
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Oai - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNN cho biết, từ khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, thông qua hình ảnh của Hệ thống giám sát tàu cá được lắp đặt đã phát hiện 110 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thuộc các tỉnh, Tổng cục Thủy sản đã ban hành 60 văn bản gửi các địa phương có liên quan để xử lý.
Về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đến nay đã có 26/28 địa phương đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá (hiện còn tỉnh Ninh Bình và Thừa Thiên - Huế chưa thành lập). Trong khi đó, khung pháp lý của Việt Nam cũng đã được hoàn thiện, khung xử phạt đối với hành vi khai thác IUU lên tới 1 tỷ đồng để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Năm 2018, số vụ vi phạm tiếp tục tăng so với năm 2017 với 85 vụ/137 tàu, tăng 28 vụ/46 tàu so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019 tình hình vi phạm tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát tàu cá hoạt động trên biển là nội dung quan trọng thứ hai để gỡ “thẻ vàng”, tuy nhiên, đến nay chưa triển khai kịp tiến độ theo lộ trình tại Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là không thực hiện đúng cam kết với EC do chưa bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện.
Về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, cơ sở dữ liệu quản lý tàu cá (VNFISTBASE) chưa được kết nối thông suốt đến các cảng cá chỉ định để đảm bảo việc truy cập dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Tại một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quản lý tàu cá; danh sách tàu cá khai thác IUU tại địa phương chưa được chia sẻ với cảng cá để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc. Hồ sơ kiểm soát tàu cá rời cảng còn bị thiếu; hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo hệ thống.
Đặc biệt, dù đã nâng mức phạt lên tới 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm IUU, tuy nhiên, EC vẫn cho rằng mức phạt này vẫn còn thấp so với yêu cầu và so với các nước trong khu vực.
Chấm dứt ngay tình trạng khai thác trái phép
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm quyết liệt để tạo sự chuyển biến. Nếu không gỡ được thẻ vàng, hoặc bị nâng lên thẻ đỏ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuỷ sản, tiêu cực đến nền kinh tế nhưng đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”.
Phó Thủ tướng cho rằng mục tiêu là phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định đánh bắt cá của Việt Nam và quốc tế. “Về lâu dài phải đảm bảo cho nghề cá Việt Nam phát triển bền vững. Đây cũng là những mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế Biển Việt Nam”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2019, đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và quan trọng nhất là UBND 28 tỉnh ven biển tập trung quyết liệt tuyên truyền cho người dân nắm rõ thông tin, quy định, bằng mọi cách chấm dứt ngay tình trạng khai thác trái phép.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tăng cường việc tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển chồng lấn, thông tin kịp thời cho ngư dân, đặc biệt là tại vùng biển giáp với Indonesia để không còn tình trạng khai thác trái phép, xâm phạm chủ quyền. Đối với Bộ Công an, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh chế tài xử phạt nặng, cần khởi tố một số vụ án hình sự để tăng biện pháp răn đe, tăng tính hiệu quả.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNN cần cơ cấu lại ngành thủy sản, tăng cường nuôi trồng ven biển để chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm lệ thuộc đánh bắt. Đây cũng là chiến lược phát triển và tầm nhìn biển đến năm 2045. Bên cạnh đó, cần phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, thu hút thêm lao động, tạo sự bền vững.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu ngay Bộ Tài chính trong tháng 7/2019 phải bố trí xong nguồn vốn, phối hợp với Bộ NN&PTNN lắp đặt toàn bộ các thiết bị giám sát tàu cá theo quy định. “Chính phủ sẽ ưu tiên kinh phí cho vấn đề này, trước mắt là 6 tháng cuối năm. Đây là việc cần làm ngay để chấm dứt hoàn toàn việc khai thác trái phép”.
Pháp luật Online