Những ngày này, các cơ quan bộ ngành từ trung ương đến Mặt trận các địa phương đã và đang triển khai tổ chức hàng loạt Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tinh thần tổng kết cho thấy, sau 10 năm, từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Những thương hiệu như giày dép Bitis, nước mắm Phú Quốc, quần áo An Phước, nệm Kymdan, bút bi Thiên Long, thực phẩm Vissan, gốm sứ Minh Long... đã trở thành những vật dụng thiết yếu với rất nhiều gia đình Việt. Gần đây, những sản phẩm hàng hóa mà chủ yếu là hàng ngoại chiếm lĩnh thì nay cũng đã xuất hiện những thương hiệu của nhà sản xuất, chủ đầu tư Việt Nam như smartphone, ô tô, ti vi...
Không chỉ ở Việt Nam mà ở ngay tại Trung Quốc hay Lào, Campuchia và cả Thái Lan, Singapore thì hàng Việt đã có mặt ở nhiều nơi. Những khu chợ ở Campuchia, Lào cho đến những khu thương mại lớn của Singapore hay Trung Quốc, có rất nhiều hàng hóa “made in Vietnam” được bày trên các gian hàng, cảm giác vừa thân quen vừa tự hào khi được nhìn thấy những thương hiệu Việt.
Người dân tham quan, mua sắm gian hàng giày da, mặt hàng truyền thống lâu đời của Quận 4. |
Tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Điều này cho thấy, sau 10 năm thực hiện triển khai, Cuộc vận động đã phát huy được nguồn nội lực to lớn góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm sắp tới.
Chưa kể từ Cuộc vận động này, các cơ quan nhà nước đã ban hành bổ sung cơ chế, chính sách để bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đông đảo người dân tham gia mua sắm tại các phiên chợ hàng Việt. |
Cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển các mô hình sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, đi kèm là những chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa.
Tất cả những con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa. Có thể nói đây là mốc quan trọng đánh dấu thành công của cuộc vận động sau chặng đường gần 10 năm triển khai và khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cách đây 10 năm, Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009 về kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được ban hành. Thông báo số 264 đã khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong khâu tổ chức thực hiện khi quyết định thành lập ban chỉ đạo cuộc vận động ở 2 cấp: Cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành phố và tương đương. Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban, các thành viên là đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp.
Theo đó, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham mưu giúp Ban Bí thư ra quyết định thành lập ban chỉ đạo cấp trung ương; đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức phát động và hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện cuộc vận động trong toàn xã hội.
10 năm có thể chưa dài so với một số cuộc vận động trước đó của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng rõ ràng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một hành trình vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, để tiếp tục Cuộc vận động này, tinh thần tổng kết ở các bộ ngành địa phương cũng đang cho thấy, cần phải làm mới Cuộc vận động, bởi vì với người tiêu dùng, việc tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ có thể giúp nhận thức về hàng Việt tốt hơn nhưng giá trị sản phẩm, hàng hóa và thái độ phục vụ, quan hệ cộng đồng của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định và bền vững.
Vì vậy, giai đoạn tới cần có cách làm mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Cuộc vận động, chuyển từ vận động sang hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, để hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
TTVH