Nhân đợt sinh hoạt chính trị 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) theo Kế hoạch số 259-KH/TU, ngày 09 tháng 4 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy, trang thông tin điện tử Quận 4 lược ghi quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời kể đầy cảm xúc và sâu sắc trong hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ.
Bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc lịch sử, một tài liệu được Bác ghi chú “Tuyệt đối bí mật”.
Từ ngày 10 đến 14/5/1965, mỗi ngày Bác Hồ dành khoảng một tiếng để viết và hoàn thành bản Di chúc gồm 3 trang, do Người tự đánh máy, đề ngày 15/5/1965. Đó là Bản thảo Di chúc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có chữ ký “Chứng kiến” của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Bác giao phong bì đựng tài liệu “Tuyệt đối bí mật” cho thư ký và dặn ngày 10/5 năm sau nhớ đưa lại cho Bác.
Kể từ đó, mỗi năm vào khoảng thời gian trước ngày sinh của mình, tài liệu “Tuyệt đối bí mật” này được Bác đem ra xem lại, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng ý, từng lời. Đó cũng là sự chủ động một cách thanh thản, ung dung của Bác, chuẩn bị cho việc ra đi mãi mãi “phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.
Năm 1966, Người chỉ bổ sung thêm một câu, phần nói về đoàn kết, tự phê bình và phê bình trong Đảng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Năm 1967, Người xem lại nhưng không sửa gì.
Năm 1968, Người tiếp tục đem Di chúc ra sửa chữa. Người viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm sáu trang viết tay. Ngày 11/5/1968, Bác viết thêm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Và hoàn chỉnh đoạn viết về công tác chỉnh đốn Đảng: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình...”.
Ngày 13/5/1968, Bác lại bổ sung và viết thêm vào Di chúc phần chăm lo đời sống của dân: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân, đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Nay ta đã hoàn thành thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Năm 1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Bản viết đề ngày 10/5/1969 được Bác viết ở mặt sau một tờ bản tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam. Từ đó cho đến sinh nhật lần cuối (19/5/1969), ngày nào Bác cũng dành thời giờ đọc lại Di chúc của mình và hoàn thiện lần cuối cùng, trước khi cẩn thận xếp vào phong bì và cất đi.
Ngày 9/9/1969, trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương lúc bấy giờ đã xúc động công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc công bố trong lễ truy điệu khi đó được chọn là bản Di chúc được viết năm 1965, được đánh máy có chữ ký của Bác và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn; và có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Người viết năm 1968 và năm 1969.
Hai mươi năm sau, căn cứ vào Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký, đã công bố nguyên văn các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bản Di chúc phản ánh tâm hồn cao đẹp, đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước vì dân của của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 5 di sản tinh thần mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam, được công nhận tôn vinh là Bảo vật quốc gia (các di sản khác là tác phẩm Đường Kách mệnh; Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (17/7/1966)). Bản Di chúc đã trở thành tài sản tinh thần vô giá cho muôn đời con cháu mai sau.
Trương Nguyễn