Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 đã đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp, xóa sổ hoàn toàn cứ điểm kiên cố bậc nhất của Pháp tại Đông Dương – con nhím Điện Biên Phủ - nơi được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đó là chiến thắng của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến gắn liền tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho rằng đây là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của mình.
Ngày ấy, người con của mảnh đấy Quảng Bình, mặc dù chưa từng được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào, không trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội nhưng Bác Giáp đã được phong hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948, trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi. Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao toàn quyền Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường, Bác Hồ đã hỏi: “Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”, Đại tướng trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định; Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Lời căn dặn của Bác Hồ là kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho mọi hành động của Đại tướng để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tháng 12/1953, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận chiến lược với quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ. |
Đoàn dân công đẩy xe đạp thồ chở vũ khí, lương thực, thuốc men... lên trận tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng hơn 20.000 xe đạp thồ, vận chuyển hàng trăm km. |
Quân đội viễn chinh Pháp hoàn thành cuộc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ ngày 20 - 21/11/1953, quân Pháp đã quyết định xây dựng tại Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm lớn mạnh chưa từng có ở Đông Dương, với 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu, khoanh thành 8 cụm. Mỗi cụm cứ điểm bố trí hệ thống hỏa lực nhiều tầng, chiến hào ngang dọc chìm nổi, cùng sự bảo vệ của những lớp hàng rào dây thép gai có độ dày từ 50 – 200m xen kẽ rất nhiều những bãi mìn dày đặc và những thùng Ét xăng khô có thể bùng cháy bằng điện. Tiếp tế cho chiến trường bằng đường hàng không, quân số lúc cao điểm lên đến 16.200 quân. Tập đoàn này được ví như “Con nhím khổng lổ” hay “Chiếc cối xay thịt” sẵn sàng tiêu diệt đối phương.
Về phía Việt Nam, khi các đại đoàn quân chủ lực hành quân lên Tây Bắc cũng là lúc Bộ Chỉ huy chiến dịch lên đường ra mặt trận. Ngày 14/01/1954, tại hang Thẩm Púa (km số 15, đoạn đường từ Tuần Giáo về Điện Biên Phủ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triển khai phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”, dự định nổ súng ngày 20/01/1954, tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 đêm 2 ngày (theo phương án này, lực lượng của ta sẽ chia thành 3 mũi tấn công, đánh thọc sâu vào cơ quan đầu não địch địch, kết hợp trong đánh ra ngoài đánh vào để tiêu diệt toàn bộ quân Pháp trong vòng 3 đêm 2 ngày). Tuy nhiên, đến địa điểm dừng chân thứ hai, tại hang Huổi He (km số 55, đoạn đường từ Tuần Giáo về Điện Biên Phủ), căn cứ vào tình hình thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp buộc phải cân nhắc để thay đổi phương án tác chiến, chuyển từ “Đánh nhanh, thắng nhanh"” sang “Đánh chắc, tiến chắc” (đánh dài ngày, bóc tách từng lớp vỏ cứng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau đó đánh vào phân khu trung tâm, cắt đứt liên lạc giữa phân khu trung tâm và phân khu Nam, tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ). Khi đến điểm dừng chân cuối cùng – Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, Bộ Chỉ huy chiến dịch tiếp tục triển khai thực hiện theo phương án “Đánh chắc, tiến chắc”, đưa ra những quyết sách hàng đầu để dành thắng lợi cuối cùng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng. |
Cột khói bốc lên sau trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, ngày 13/3/1954. |
17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, Tướng De Castries. |
Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, bộ đội ta đã khiến quân Pháp phải hạ súng ra hàng. Tướng De Castries khi được hỏi suy nghĩ thế nào về trận chiến ở nơi mà Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố là “Pháo đài bất khả xâm phạm”, cho máy bay rải truyền đơn mời Việt Minh vào, đã chua chát trả lời: “Vâng, hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào”.
Có thể nói, quyết định hoãn kế hoạch tấn công, kéo pháo ra, thay đổi phương châm tiêu diệt địch, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định lịch sử và là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này mỗi khi nói và viết về quyết định lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng bao giờ cũng cho rằng, cơ sở hình thành là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cùng với sự chỉ đạo tài tình của Người với chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như với toàn bộ tiến trình cuộc kháng chiến. Vị tướng huyền thoại cũng cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng dành cho Nhân dân. Nhưng dù khiêm nhường thế nào đi chăng nữa, với vị trí, vai trò và dấu ấn sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn mãi với dân tộc ta, non sông đất nước ta. Nay, tuy Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó cũng là sự cổ vũ lớn lao để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
TTVH (tổng hợp)