Phân loại rác tại nguồn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.Thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể Quận 4 và 15 phường tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân loại rác cũng phát sinh nhiều khó khăn, bất cập.
Theo bảng hướng dẫn phân loại rác tại nguồn của Ủy ban nhân dân Quận 4, chất thải rắn được phân thành 3 loại như sau: nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy gồm: thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật..; nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế gồm: các loại giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh…; nhóm chất thải còn lại: bao gồm tất cả các loại chất thải rắn sinh hoạt không thuộc nhóm chất thải hữu cơ, phế liệu và chất thải nguy hại. Chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, chủ nguồn thải được lưu chứa trong các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chị Nguyễn Thị Kim Lan, người dân Phường 6 cho biết, gia đình chị đã hưởng ứng ngay sau khi nghe thông tin phân loại rác tại nguồn. Do không gian nhà chật hẹp nên chị không thể trang bị 3 thùng rác mà chỉ dùng túi tự phân huỷ rồi chia thành 3 loại rác như hướng dẫn. “Bước đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phân loại do chưa nhận diện nhanh nhẹn đâu là rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải còn lại. Nhưng tôi tin dần dần cả nhà sẽ hình thành được thói quen này”, chị Lan chia sẻ.
Chứng kiến những người thu gom rác phải bới trong những bịch chất thải của mọi người vứt ra đâu là chai nhựa, đâu là thức ăn thừa, giấy vụn…Anh Phạm Văn Thiện, một hộ kinh doanh quán nước tại Phường 8 bức xúc trước thói quen bỏ rác thải sinh hoạt vào cùng một bao ni lông của những hộ dân xung quanh. Anh cho rằng quận, phường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi, nâng cao ý thức của từng người dân nghiêm túc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Chia sẻ với phóng viên Tờ tin Quận 4, anh Thiện cho biết, “Tôi hoàn toàn ủng hộ về việc thực hiện phân loại rác tại nguồn và tin đây là một cách làm khả thi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trước giờ nhà tôi vẫn để riêng một bịch là chai nhựa, lon đồ hộp; bịch kia là rác thải có thể tiêu hủy như vỏ trái cây, bã cà phê; bịch còn lại là hộp xốp, vật dụng bằng sành sứ”.
Trong vai trò là Tổ trưởng Tổ dân phố 20, Khu phố 2, Phường 3, bà Trịnh Thị Chói thường xuyên tích cực đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn. Bà kể, lúc đầu nhiều hộ dân vẫn còn e dè, chưa quan tâm nhiều đến công việc này. Nhưng với quyết tâm trong công tác của mình, hộ nào chưa biết thì bà giới thiệu cho họ nắm, hộ nào chưa hiểu thì bà phân tích, giải thích cho họ hiểu về ý nghĩa thiết thực của việc phân loại rác thải. Đến nay, nhiều người dân trên địa bàn Phường 3 đã quen dần với thói quen này.
“Vừa qua, nhà tôi có nhận được bảng hướng dẫn “Phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm tiền, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường của chúng ta” của Ủy ban nhân dân Quận 4. Bảng thông báo được trình bày bắt mắt. Hình ảnh minh họa và lời giải thích đều được in bằng nhiều màu. Nội dung thông tin đầy đủ về từng loại rác giúp người dân phân biệt rác sinh hoạt thông thường và rác nguy hại. Hiện tại, nhà tôi lúc nào cũng chia ra làm 3 loại thùng rác để các thành viên trong gia đình cùng thực hiện phân loại”, chị Võ Thị Thanh Nga, người dân Phường 3 cho biết.
Theo chị Bùi Thuỵ Hiền, Trưởng Khu phố 4, Phường 16, để tăng cường hiệu quả, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phân loại rác thì trước hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của quận, phường cần phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu thực hiện công tác này. “Mỗi lần bỏ rác tôi đều phân ra, đối với rác từ hoa quả, rau cải, thịt cá thì tôi lấy bao nilông bỏ vào, còn rác như chai nhựa, hộp giấy thì tôi để riêng. Tôi thấy công việc này cũng đơn giản, không mất nhiều thời gian mà lại giúp cho những người thu gom rác đỡ vất vả”, chị Hiền cho hay.
Người dân Phường 13 thực hiện phân loại rác tại nguồn. |
Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, cô Đinh Thị Nhung, Trưởng Khu phố 3, Phường 13 luôn tâm huyết với công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nhà với nhiều hình thức như: tuyên truyền thông qua các buổi họp tổ dân phố, phát tờ rơi, đến tận nhà nhắc nhở và tặng thùng rác. Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn khu phố đã bắt đầu quen dần với công việc phân loại rác. Thậm chí nhà này còn khuyên bảo, hướng dẫn cho nhà kia cách thức phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ. Nói về khó khăn trong công tác phân loại rác, cô Nhung cho biết, “Theo tôi, một nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả cao là do công tác thu gom, xử lý rác chưa thuyết phục người dân. Trong khi người dân bỏ thời gian và công sức phân loại rác tại nhà thì người đi thu gom rác lại đổ chung vào một xe. Điều này đã gây ra nhiều bức xúc, phản ánh của người dân”.
Lực lượng thu gom rác dân lập của Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Quận 4 cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, một số gia đình trên địa bàn quận vẫn chưa ý thức được việc phân loại rác tại nguồn. Thậm chí, nhiều gia đình còn tỏ thái độ với lực lượng thu gom rác khi họ được công nhân lấy rác góp ý.
Có thể thấy, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn thì các ngành, các cấp Quận 4 cần chung tay phối hợp chặt chẽ, đa dạng các hình thức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, từng cơ quan, trường học và cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải làm cho người dân thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của công việc này; từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác tại nhà.
Thanh Duy