Cứ đến ngày 30/4, người dân Việt Nam lại nhớ về 1975 ngày ấy mà những người sống trong thời kỳ khói lửa ấy đều có những ký ức không thể nào quên. Được gặp chú Võ Thành Hải - Chi hội Trưởng chi Hội Cựu chiến binh Khu phố 3, Phường 14, Quận 4 - lính trinh sát bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời đó để nghe chú kể lại những kí ức tuổi trẻ trên chiến trường làm chúng ta càng tự hào về trang lịch sử chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Tuổi thơ chú đã trải qua rất nhiều khó khăn, gia đình nghèo không có điều kiện học hành, nhờ vào quân ngũ chú mới biết đọc, biết viết. Mới 13 - 14 tuổi chàng trai ấy rơi vào hoàn cảnh mồ côi khi chứng kiến người cha bị địch bắn, người mẹ bị địch đày đi tù. Giác ngộ lý tưởng cách mạng năm 15 tuổi, chú Võ Thành Hải theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ tại Huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Với tinh thần gan dạ, chú tham gia rải truyền đơn, chuyển công văn, tài liệu cho tổ chức mong góp một phần công sức nhỏ bé của mình. Trong lần công tác, chú bị địch bắt. Thời gian trong tù, chú bị tra tấn dã man, bị bỏ đói - những cái khổ ấy không lung lay được tinh thần của anh bộ đội cụ Hồ. Không khai thác được thông tin gì, địch thả tự do cho chú. Để tránh sự chú ý của địch, năm 1971, tổ chức điều động chú đến chiến trường B2, Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh. Khi đó, với vai trò là bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chú Hải đã cùng đồng đội luôn là “lá chắn thép” tạo sự yên tâm cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn - từ chống “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh phi Mỹ hóa và Việt Nam hóa” đến lúc hoàn toàn đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chú Hải kể “Lính trinh sát nhiều lần phải giáp mặt với kẻ thù, có khi địch giả danh quân ta đánh lạc hướng, lúc đó mạng sống trở nên mong manh, sống chết trong gang tấc nên lính trinh sát phải biết đọc tình huống, nhạy bén xử lý tình huống - đó là tố chất cần thiết”. Gần cuối tháng 4/1975 là những ngày các trận đánh bắt đầu khẩn trương, gay go, ác liệt nhất. Nhớ về trận đánh căn cứ Đồng Dù đêm 28 rạng ngày 29/4/1975, tiểu đội trinh sát thuộc đơn vị 5562 được lệnh phối hợp với bộ đội và du kích địa phương tiêu diệt căn cứ này. Sau một đêm vượt qua bãi lầy dưới tầm pháo của địch, ngày 29/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng. Cùng với các mũi tấn công khác, trận đánh diễn ra đến gần trưa. Tiếng súng trong căn cứ thưa dần, quân địch ở căn cứ đã bị tiêu diệt và tan rã. Chỉ trong 5 giờ chiến đấu, ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của Nguỵ ở căn cứ Đồng Dù, 500 tên địch bị tiêu diệt, 2.269 tên bị bắt làm tù binh, thu 4.909 khẩu súng các loại, 100 máy thông tin, 2 máy bay bị tịch thu, 423 xe quân sự bị thu và phá hủy.
Trên đà thắng lợi trận Đồng Dù, chú cùng với các đồng đội được điều động tham gia giải phóng Sài Gòn để bảo vệ thành quả cách mạng. Bốn mươi bốn năm trôi qua nhưng khi nhắc đến khoảnh khắc ngày 30 tháng 4 năm 1975 luôn lay động trái tim chú “Khi nghe được tin chiến thắng, cảm xúc lúc ấy thật không có gì diễn tả hết, có ai bên cạnh là ôm ghì lấy nhau khóc, cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, quên hết những trận đấu khốc liệt anh và tôi vừa trải qua mà thay vào là niềm hạnh phúc vỡ òa” - Cựu chiến binh Võ Thành Hải xúc động nói.
Trở về địa phương, chú Võ Thành Hải tiếp tục cống hiến sức mình trong vai trò Chi hội Trưởng chi Hội Cựu chiến binh Khu phố 3, Phường 14, Quận 4. |
Ghi nhận công lao của chú Hải, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương quyết thắng hạng Nhì và nhiều huy chương, giấy khen khác. Những huân chương, huy chương cao quý là niềm vinh dự cho ai may mắn còn sống nhận phần thưởng ấy nhưng vẫn còn đó góc khuất của cuộc chiến tranh là máu, là xương của các anh hùng liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi chiến trường. Chú Hải tâm sự “Lính hồi đó đã ra trận không bao giờ sợ cái chết, biết chết vẫn lao vào mà đánh, có những đồng đội còn nằm đó chưa tìm thấy xác. Chiến đấu quyết liệt là vậy nhưng nỗi sợ chung là thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến việc vận chuyển lương thực, thực phẩm đến bệnh tật luôn rình rập, đặc biệt trong rừng con muỗi nào muỗi nấy gần “ngón tay” thành dịch sốt rét đeo bám cướp đi sinh mạng chiến sĩ trên các chiến trường. Bất cứ sự hy sinh nào của người lính có tên hay không tên đều chứa một phần lịch sử cho độc lập, tự do của nước nhà. Vì thế khi nhận phần thưởng nào đó, tôi thường trở về đơn vị cũ thắp nén hương cùng chia sẻ đến các đồng đội đã khuất”.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, được nghe kể những câu chuyện, những hồi ức của thế hệ đi trước một cách chân thực nhất không chỉ nhắc cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ mà còn muốn gởi đến bài học cho thế hệ trẻ cần phát huy tinh thần đoàn kết, xung kích, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để trở thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha ta.
Ngọc Thảo