Hơn 8 năm qua, chị vẫn miệt mài làm công tác “thu hẹp” khoảng cách giữa người bệnh HIV và xã hội. Bằng tình thương yêu của mình, chị đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm. Người tôi muốn nhắc đến là chị Lê Thị Thái Uyên - một thành viên trong chương trình thiện nguyện “Góp một bàn tay” đang sinh sống tại Phường 10, Quận 4.
Xóa bỏ kỳ thị cho người HIV
Mở đầu câu chuyện cơ duyên đến với công việc này, chị vui vẻ nói “Chắc là dòng máu thiện nguyện chảy từ mẹ sang con, giờ chị làm mẹ thì tiếp tục di truyền sang con gái mình”. Từ nhỏ, chị đã theo chân mẹ đến các bệnh viện phụ giúp nấu bữa ăn, phát quà cho bệnh nhân nghèo. Bắt gặp các hoàn cảnh như thế, chị thấy có một sự đồng cảm như chính bản thân mình. Cơ duyên đến năm 2011, chị tham gia dự án tại Quận 4 giúp các chị em hành nghề bán dâm được tái hòa nhập với cộng đồng. Sau khi được hỗ trợ, họ đều có nguyện vọng tham gia nhóm giáo dục đồng đẳng để cùng chị đi và chia sẻ nhiều hơn. Năm 2017, chị Uyên tình nguyện tham gia Dự án “Góp một bàn tay” với những việc làm cụ thể như: hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp bệnh nặng gồm chăm sóc, hỗ trợ viện phí cho những trường hợp khó khăn, tư vấn kiến thức về an toàn tình dục…
Chị Lê Thị Thái Uyên đang tư vấn cho bệnh nhân. |
Đến gặp chị tại Phòng khám “Nhà mình” – ở đây ngoài khám, tư vấn và chuyển gửi điều trị HIV mà như gia đình nhỏ đem đến sự yêu thương, tôn trọng, san sẻ những gánh nặng trong cuộc sống với những bệnh nhân sống chung với HIV - chị đang niềm nở tư vấn và tiếp thêm “ngọn lửa” hy vọng nhân lên thành sức mạnh để cùng họ chống chọi lại với căn bệnh này. Theo chia sẻ, điều trăn trở nhất đối với chị Uyên là hiện nay vẫn còn sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bệnh ít nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình. Điều đó làm cho họ, mất đi cơ hội trong công việc, niềm tin trong cuộc sống, đặc biệt những đứa trẻ bị lây nhiễm HIV thường bị kỳ thị. Cứ đến thứ 2 và thứ 5, các bạn nhóm thiện nguyện trong dự án đều dành thời gian đến Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 gặp gỡ, chuyện trò cùng bệnh nhi và người nhà để trợ giúp kịp thời khi cần đến.
Hàng ngày, tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội được lắng nghe các bệnh nhân tâm sự càng thôi thúc chị Uyên không ngừng suy nghĩ để tìm cách xóa bỏ sự kì thị. Chị tích cực hơn trong việc tuyên truyền không chỉ nơi làm việc, chị còn rong ruổi đến các quán cà phê, tiệm tóc, mát – xa, đường phố, bệnh viện … để tiếp cận được với nhiều người có nguy cơ nhiễm HIV, hướng dẫn họ đi xét nghiệm HIV; vận động người đã nhiễm HIV kiên trì hơn trong điều trị. Ngoài ra, chị phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 4 giáo dục giới tính cho trẻ em và phụ nữ về xậm hại tình dục, phòng ngừa ngăn chặn tệ nạn xã hội, mại dâm, giảm lây nhiễm các tác hại của HIV/AIDS.
Hạnh phúc chung – nỗi niềm riêng
Sẽ là niềm hạnh phúc khi ai thấu hiểu cho công việc của mình nhưng… chị Uyên trải lòng “Có người không hiểu họ bàn tán tiếp xúc với bệnh nhân HIV không có bệnh mới lạ. Ban đầu gia đình cũng chưa hiểu và chưa ủng hộ cùng với đó là lời ra tiếng vào như gia đình lo chưa xong lo chuyện thiên hạ…Đôi lúc làm tôi nản lòng nhưng cứ nghĩ ngày mai bệnh nhân đang chờ, tôi tự an ủi chính mình phải vượt qua”. Nhớ lại, có một bé nhiễm HIV, trước đó cha mẹ em cũng đã mất do HIV. Bé sống cùng ông bà già yếu, gia đình lại rất khó khăn không có tiền đóng viện phí, chị lại chạy đôn chạy đáo làm hồ sơ hỗ trợ viện phí. Khi cầm trên tay tờ giấy và thấy được ánh mắt hạnh phúc của người nhà bệnh nhân, mọi mệt mỏi trong đều tan biến. Hình ảnh bệnh nhân ngày ngày khỏe lại và nở nụ cười trên môi chính là sức mạnh cho chị vượt qua tất cả để song hành với công tác này.
Cho dù mạnh mẽ đến đâu, dù là chỗ dựa đáng tin cậy cho người khác, nhưng có ai biết chị rất dễ yếu lòng. Đôi mắt chị đã ngấn lệ khi nhắc về con “Cuộc đời đã cho tôi thử thách lớn vừa làm cha vừa làm mẹ. Cả ngày làm việc xã hội, tối về con đã ngủ, nhìn con tôi không khỏi chạnh lòng. Với những lần đi thiện nguyện hay tổ chức sinh hoạt, vui chơi với các trẻ nhiễm HIV, tôi hay dẫn con theo. Qua đó, tôi nhận được sự đồng cảm từ con, hiểu công việc của mẹ làm và thấu hiểu lúc mẹ mệt mỏi cần gì để quan tâm, hỏi han – bao nhiêu đó đã quá đủ hạnh phúc đối với tôi”.
Kết lại câu chuyện, chị Uyên đã mượn lời bài hát “Sống như những đóa hoa - Toả ngát hương thơm cho đời - Sống với nỗi khát khao rằng - Được hiến dâng cho cuộc đời” hàm ý nói về công việc của mình. Dù biết cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với việc được Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 4 “Gương sáng phụ nữ” sẽ là động lực trong tương lai giúp chị Uyên viết cho riêng mình những câu chuyện đẹp và việc làm ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội này.
Ngọc Thảo