Một số câu hỏi thường gặp trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
1. Tổng điều tra dân số và nhà ở là gì?
Trả lời:
Tổng điều tra dân số và nhà ở là một cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia đã quy định tại Điều 29 của Luật Thống kê; được thực hiện 10 năm một lần nhằm thu thập các thông tin cơ bản về tình hình dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phục vụ công tác đánh giá tình hình, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội và các chính sách liên quan trực tiếp tới người dân. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 tại Việt Nam.
2. Mục đích của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là gì?
Trả lời: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở nhằm các mục đích:
- Tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu dân số, nhân khẩu học và nhà ở phục vụ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương;
- Đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số và nhà ở phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết;
- Cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số; xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư thời kỳ 2019 - 2029.
Những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp cho điều tra viên thống kê thuộc danh mục bí mật Nhà nước, chỉ được dùng để tổng hợp chung vào dân số của các cấp xã, huyện và cấp tỉnh chứ không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.
3. Thời điểm và thời gian thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là khi nào?
Trả lời: Thời điểm thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là 0 giờ ngày 01/4/2019. Thời gian thực hiện lập danh sách các hộ dân cư của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là tháng 11 và tháng 12 năm 2019. Đây cũng là thời gian các hộ dân cư sẽ được hỏi để tự nguyện đăng ký tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra.
Thời gian thu thập thông tin tại các hộ dân cư từ ngày 01 đến ngày 25/4/2019; trong đó thời gian hộ tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra là từ ngày 01 đến hết ngày 07/4/2019.
4. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có những phương pháp thu thập thông tin nào?
Trả lời: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sử dụng 2 phương pháp thu thập thông tin, đó là phỏng vấn trực tiếp và điều tra trực tuyến.
- Phỏng vấn trực tiếp là việc điều tra viên đến hộ để hỏi và ghi các thông tin về tình hình dân số và nhà ở của hộ vào máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc phiếu giấy in sẵn. Các hộ dân cư được chọn mẫu để cung cấp thêm thông tin chuyên sâu về dân số và nhà ở sẽ được phỏng vấn trực tiếp tại hộ.
- Điều tra trực tuyến là việc các hộ dân cư tự nguyện đăng ký tự cung cấp thông tin. Hộ dân cư tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra từ ngày 01 đến ngày 07/4/2019. Nếu hộ dân cư hoàn thành tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra thì điều tra viên sẽ không đến hộ để hỏi các thông tin về dân số và nhà ở của hộ. Nếu hộ dân cư không hoàn thành tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra như đã đăng ký thì điều tra viên sẽ đến hộ để hỏi các thông tin về dân số và nhà ở của hộ.
5. Nội dung điều tra của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là gì?
Trả lời: Nội dung của Tổng điều tra bao gồm các thông tin về dân số (như: số người, giới tính, tuổi, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, mức độ sinh, chết và phát triển dân số, trình độ học vấn và trình độ nghề, kỹ năng nghề, tình trạng di cư, tình trạng khuyết tật, tình trạng lao động - việc làm); và thông tin về thực trạng nhà ở của hộ (tình trạng sở hữu nhà ở, quy mô diện tích nhà ở, năm sử dụng, kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính, nguồn nước và nhiên liệu chính đang sử dụng, một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của các hộ dân cư).
6. Người lập Bảng kê hộ có thể dựa vào sổ hộ khẩu để ghi các thông tin không?
Trả lời: Không. Người lập Bảng kê phải trực tiếp đến từng hộ để hỏi các thông tin trong Bảng kê hộ; không được dùng sổ hộ khẩu hoặc bất kỳ sổ sách nào để sao chép thông tin vào bảng kê vì việc xác định nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ phải căn cứ vào tình hình ăn, ở thực tế của các thành viên tại hộ mà không căn cứ vào “hộ khẩu” hay các quy định khác.
7. “Hộ” trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có gì khác với “Hộ” trong quản lý hộ khẩu không? Có liên quan đến việc “tách hộ, nhập hộ”, “nhập khẩu, cắt khẩu” hoặc các chính sách kinh tế - xã hội khác không?
Trả lời:
Điểm khác nhau cơ bản giữa “Hộ” trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và “Hộ” trong quản lý hộ khẩu ở chỗ: “Hộ” trong Tổng điều tra là hộ có thể chỉ có một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung trong khoảng thời gian từ 6 tháng trở lên hoặc có ý định ở lâu dài tại hộ.
Thành viên tại các “hộ” trong Tổng điều tra không nhất thiết phải có đăng ký hộ khẩu; Còn “hộ” theo quản lý hộ khẩu phải được ngành Công an xác nhận.
Việc kê khai “Hộ” trong Tổng điều tra giúp cho Nhà nước nghiên cứu cấu trúc hộ của dân số, tránh điều tra trùng hoặc bỏ sót; không liên quan đến các tiêu chuẩn để “tách hộ, nhập hộ” hoặc “cắt khẩu, nhập khẩu” do ngành Công an quản lý; đồng thời cũng không liên quan đến các chính sách kinh tế - xã hội khác, như: thu thuế nhà/đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, huy động nghĩa vụ…
TTVH