Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội - họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục.
Người từng nhấn mạnh: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề đặc biệt “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Phát biểu tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (10/1964), Người nói: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh…Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.
Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Trung học Giao thông Vận tải Thủy – Bộ. |
Nói về đạo đức nhà giáo, Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất rất cơ bản, đó là: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình” .
Về trí tuệ và tài năng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà giáo giỏi không đòi hỏi phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu hết tri thức của nhân loại, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp nên nhà giáo phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Người nói: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13/9/1958. |
Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Bác còn lưu ý giáo viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người”.
Ngoài đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên, bởi: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, do đó tấm gương nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”. Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người.
Sở dĩ Bác Hồ luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Vì lẽ đó, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”.
Thực hiện tư tưởng của Bác Hồ, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên Quận 4 luôn tích cực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, phấn đấu ra sức thi đua dạy tốt học tốt, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Công tác giáo dục toàn diện và quản lý học sinh được chú trọng, tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống, đạo đức lối sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội của học sinh. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên ở các cấp học, bậc học. Ngành giáo dục Quận 4 tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục bậc trung học; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, các trường tích cực thực hiện đổi mới phương pháp trong giảng dạy và học tập; ứng dựng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; tăng cường kết hợp giảng dạy lý thuyết với việc liên hệ thực tiễn. Qua đó đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà năm học đã đề ra. Phong trào “Học sinh giỏi” luôn được ngành giáo dục Quận 4 giữ vững và thu được kết quả tốt như: đào tạo, rèn luyện nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi cấp Thành phố; tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ ngày càng tăng về cả số lượng lẫn chất lượng, ngày càng có nhiều giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo…
TTVH