Tham gia chiến trường Campuchia, ông Trần Văn Tản, Phường 13, Quận 4 vĩnh viễn không tìm thấy ánh sáng và mất cánh tay trái. Trở về cuộc sống đời thường, người thương binh ấy vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi hai con khôn lớn và góp sức cho hoạt động tại địa phương.
Gà trống nuôi con
Ông đón tiếp tôi tại ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Xóm Chiếu, Phường 13, Quận 4 vào một buổi trưa hè. Ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng tôi cảm nhận được niềm vui, sức sống mãnh liệt của một người thương binh vượt lên số phận nghiệt ngã để luôn xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Ông Trần Văn Tản bên cạnh hai con trai. |
Ông Trần Văn Tản sinh năm 1966, là thương binh loại 1/4 đặc biệt nặng. Năm 1984, ông tham gia bộ đội tại Quân trường Phú Giáo, Sông Bé. Sau 3 tháng quân trường, ông được điều động sang chiến trường Campuchia, đóng quân tại cửa khẩu giáp Thái Lan. Trong một lần tuần tra khu vực biên giới, ông bị trúng mìn của địch, đã cướp đi đôi mắt và cánh tay trái của ông. Sau đó, ông được đơn vị đưa về Bệnh viện Trung đoàn điều trị. Sau 3 tháng, ông được đưa về Việt Nam điều trị tại Bệnh viện 175. Mất 2 năm điều trị tại bệnh viện, ông được cho xuất viện về địa phương với cơ thể không còn lành lặn, mức độ thương tật vĩnh viễn đến 95%.
Năm 1990, ông về sinh sống tại Quận 4 với hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có khả năng lao động. Đặc biệt, khi trái gió trở trời, những vết thương cũ lại hoành hành gây đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Cơ thể lại không còn lành lặn nhưng ông vẫn tiếp tục bươn chãi với nhiều nghề kiếm sống như: bán kem, bán nước giải khát, nước sâm để trang trải cuộc sống.
Năm 2001, ông lập gia đình và hai con trai sinh đôi kháu khỉnh ra đời năm 2005. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với ông. Nhưng rồi một lần nữa may mắn lại không đến với ông. Năm 2008, vợ chồng ông chia tay. Cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn chồng chất khi ông một mình mù lòa, mất một cánh tay lại nuôi hai con thơ chưa tròn 3 tuổi, một mình vừa làm cha vừa làm mẹ. Nhưng không vì thế mà ông chấp nhận số phận nghiệt ngã, vẫn không ngừng vươn lên, đối mặt với khó khăn với ước mong nuôi hai con trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.
Ông Tản vui vẻ nói: “Lúc đầu việc chăm sóc, nuôi dưỡng hai con rất khó khăn, tôi phải nhờ vào người em gái ruột đến phụ giúp việc gia đình, chăm sóc con nhỏ. Hai em tên Trần Lê Long An, Trần Lê Long Khang hiện đang học Trường Trung học cơ sở Tăng Bạt Hổ A. Thấy hoàn cảnh của ba mình như thế, nên từ nhỏ hai cháu đã rất yêu thương ba và yêu thương nhau. Trong suốt mấy năm liền, các cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đó là động lực to lớn giúp tôi yên tâm, tiếp tục cống hiến cho xã hội thông qua hoạt động của Hội người mù”.
Tích cực với hoạt động xã hội
Được sự động viên của chính quyền Quận 4 và lòng nhiệt huyết, năm 1992, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Người mù Quận 4 với suy nghĩ góp thêm sức của mình giúp cho những người cùng hoàn cảnh vơi bớt khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Năm 1997, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù Quận 4 và năm 2012 giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Người mù, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đến nay.
Nhắc đến hoạt động của Hội Người mù, ông hăng say kể. Hiện nay, Hội Người mù Quận 4 có 61 hội viên, hoạt động chủ yếu là dạy chữ nổi, giới thiệu học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp với sức khỏe của từng hội viên, hỗ trợ vay vốn,.... Các thành viên trong hội không ai biết mặt ai nhưng luôn đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau. Hằng tháng, ông còn vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân chăm lo thường xuyên các nhu yếu phẩm cho các hội viên. Đến nay, có gần 50 hội viên đã có việc làm ổn định. Đời sống người mù trên địa bàn dần cải thiện, ngày càng tự tin hòa nhập vào cộng đồng xã hội.
Một điều đặc biệt, ông còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thương binh nặng của Quận 4, đây là CLB Thương binh nặng duy nhất trên địa bàn Thành phố. CLB được thành lập từ năm 1997, với mục tiêu các thương binh nặng thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cho nhau; trợ vốn khi có khó khăn đột xuất. Kinh phí hoạt động của CLB được vận động từ nguồn vận động xã hội và sự tham gia đóng góp của thương binh nặng.
Hỏi đến nguyện vọng của ông, ông cho biết: “Tôi luôn mong chính quyền địa phương cũng như cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục quan tâm đến các thương binh có hoàn cảnh khó khăn hơn, tiếp tục giúp đỡ cho các người mù. Riêng bản thân tôi, tôi chỉ mong muốn mình có nhiều sức khỏe, tiếp tục là trụ cột vững chắc cho hai con trưởng thành, tiếp tục được tham gia cống hiến, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho hoạt động Hội Người mù và các hoạt động ở địa phương”.
Có thể thấy, mong muốn của ông hết sức bình dị nhưng đối với một người thương binh đặc biệt nặng và hoàn cảnh khó khăn như ông là cả một tấm lòng nhân ái, nhân văn, một sức sống mãnh liệt, vượt qua số phận để góp thêm cho cuộc sống niềm tin, hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Tạm biệt ông, nhưng trong tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh một người thương binh mù, ngồi bên cạnh hai con trai đang ôn bài, trong căn nhà nhỏ đầy tiếng cười. Tôi luôn tự nhủ với bản thân mình phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng, sống có ích cho xã hội để xứng đáng với những hy sinh, mất mát của bao thế hệ đi trước, đã hy sinh cả xương máu, tuổi thanh xuân để dành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam hôm nay.
Thái Bình