Quốc hội khoá II là Quốc hội đầu tiên hoạt động hoàn toàn trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Lao động Việt Nam (Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày nay), Nhân dân Việt Nam thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến hành sự nghiệp xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa: miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và cùng miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hoạt động của Quốc hội khoá II đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và khôi phục kinh tế ở miền Bắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam; đã thực thi những chính sách phù hợp về dân chủ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong những điều kiện cực kỳ khó khăn; góp phần bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của chính quyền Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng đất nước ở miền Nam và đấu tranh thống nhất Tổ quốc.
Quốc hội khóa II được bầu ngày 8.5.1960, gồm 453 đại biểu (trong đó có 91 đại biểu khóa I của miền Nam được lưu nhiệm). Quốc hội khóa II đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 21 ủy viên, do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II tại tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội, tháng 5/1960 |
Đây là khóa Quốc hội đầu tiên hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp 1959, là khóa đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra.
Quốc hội thành lập Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và ngân sách, Ủy ban Thống nhất của Quốc hội. Trong 4 năm hoạt động, với 8 kỳ họp, Quốc hội khóa II đã thay mặt nhân dân quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trên cương vị là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Quốc hội đã thông qua 6 đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 pháp lệnh.
Các văn bản pháp quy đã thông qua: 6 luật; 9 pháp lệnh.
Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ban hành ngày 26-7-1960).
Luật Tổ chức Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ban hành ngày 26-7-1960).
Luật Tổ chức Toà án nhân dân (ban hành ngày 26-7-1960).
Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (ban hành ngày 26-7-1960).
Luật Sửa đổi và bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự (ban hành ngày 10-11-1962).
Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Hành chính các cấp (ban hành ngày 10-11-1962).
Pháp lệnh về việc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp (ban hành ngày 23-10-1961).
Pháp lệnh Quy định cụ thể về tổ chức của Toà án Nhân dân Tối cao và tổ chức các Toà án Nhân dân địa phương (ban hành ngày 30-3-1961).
Pháp lệnh Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy (ban hành ngày 4-10-1961).
Pháp lệnh Ðặt Huân chương và Huy chương Chiến sĩ vẻ vang (ban hành ngày 16-9-1961).
Pháp lệnh Quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (ban hành ngày 12-8-1961).
Pháp lệnh Qui định cụ thể về tổ chức của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (ban hành ngày 18-4-1962).
Pháp lệnh Qui định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ban hành ngày 20-7-1962).
Pháp lệnh Qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát Nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ban hành ngày 20-7-1962).
Pháp lệnh Qui định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy và chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan phòng cháy và chữa cháy (ban hành ngày 5-4-1963).
Sau 4 năm hoạt động của Quốc hội khóa II là một chặng đường lịch sử phát triển mới của đất nước, như ghi nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quốc hội khóa II là “Quốc hội xây dựng CNXH và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
(Còn tiếp)
An Nhiên (TH)