26 tuổi đời với 5 năm trong nghề giảng dạy lịch sử tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Khánh Hội A, cô giáo trẻ Võ Thị Diệu Hạnh đang thực hiện hoài bảo của mình trên bục giảng: đem hết kiến thức, niềm say mê của mình góp phần ươm những mầm xanh tương lai của đất nước. Cô luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều sáng kiến, năng nổ trong phong trào, chia sẻ cùng đồng nghiệp về chuyên môn,…, giúp học sinh hiểu về môn lịch sử dân tộc ta.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng trường Đại học Sài Gòn, trong thâm tâm cô luôn nghĩ và phải thực hành cho bằng được lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt và học tốt”. Chính vì thế, cô luôn xác định công tác giáo dục đạo đức, giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh (HS) là rất quan trọng; bởi theo lời Bác Hồ thì lứa tuổi thiếu niên nhi đồng sau này sẽ là thế hệ tương lai của đất nước; và việc uốn nắn cho các em có được những đạo đức, kiến thức lịch sử của dân tộc trong bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, đó là điều trăn trở đối với cô.
Tiết dạy của cô Hạnh luôn khiến học sinh háo hức với bài giảng sinh động |
Lâu nay, môn Sử là một môn học khô khan, lại phải học bài nhiều, nếu thật sự không yêu thích thì HS khó lòng tiếp thu được. Tuy nhiên, nhiều năm liền, Trường THCS Khánh hội A đều có HS đạt giải HS giỏi môn lịch Sử trong các kỳ thi HS giỏi các cấp. Cô Diệu Hạnh phân tích: “Biết được tất cả những điều đó, khi bắt tay vào rèn luyện cho HS giỏi, đặc biệt là môn Sử, giáo viên giáo viên (GV) phải thật sự kiên trì, mài mò, vận dụng sáng tạo nhiều phương pháp dạy”; để từ đó tác động đến tư tưởng, khơi gợi cho các em lòng hứng thú, sự yêu thích về lịch sử dân tộc… tất cả là để các em tự nhận thức được giá trị của nó thì mới có kết quả, …”
Và cô Diệu Hạnh quan niệm rằng “là một GV thì bắt buộc chuyên môn phải vững vàng, chỉ khi mình nắm vững những kiến thức thì mới áp dụng được nhiều phương pháp dạy học, nắm bắt những cái mới, tạo được không khí thoải mái, vui vẻ trong từng tiết học. Bên cạnh đó, phải biết phân hóa đối tượng HS để có cách dạy phù hợp, tránh gây sự nhàm chán. Trong những tiết học khô khan, GV phải uyển chuyển sử dụng đồ dùng dạy học, những phương tiện trực quan sinh động để HS dễ tiếp thu, sao cho dễ nhớ, dễ thấm đậm vào tâm hồn các em”.
Ngoài ra, trong khi giảng dạy, cô giáo còn khéo léo lồng ghép các câu chuyện, bài học từ các vấn đề thời sự thực tế, tăng nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm sống cho các em. Những tiết học của cô Hạnh thật sự gần gũi, thu hút, lôi cuốn, từ đó đã có nhiều HS đam mê với môn lịch Sử.
Ngoài công tác giảng dạy bộ môn cô còn tham gia công tác chủ nhiệm. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô Diệu Hạnh luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh của HS để có biện pháp kèm cặp cho các em học tốt hơn. Chính vì vậy mà những lớp do cô chủ nhiệm luôn học tốt. Với hơn 5 năm công tác và kèm thao là những nỗ lực vì HS thân yêu, cô Võ Thị Diệu Hạnh được biểu dương là GV dạy giỏi cấp Quận, GV tiêu biểu năm 2013 và là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 2014.
Đánh giá về thành tích dạy học của cô Diệu Hạnh, cô Trần Thị Thùy An – Phó Hiệu trưởng trường THCS Khánh hội A nói: “Cô Võ Thị Diệu Hạnh là một trong những GV trẻ, giỏi chuyên môn, năng nổ, tâm huyết với nghề. Trong công tác giảng dạy, cô luôn có nhiều sáng kiến, tạo ra các mô hình, đồ dùng dạy học mới và có những bài giảng hay. Thành công của cô là đã truyền được niềm đam mê sáng tạo cho HS”.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển Đức – Trí - Thể - Mỹ của con người Việt Nam. Một người “chèo đò” có đủ đức, đủ tài sẽ góp phần đào tạo nên những thế hệ HS có tài, có đức, có đủ năng lực để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Sự nhiệt huyết với nghề giáo, tận tâm với HS, tích cực trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, tấm lòng “tất cả vì học sinh thân yêu” của cô giáo Võ Thị Diệu Hạnh xứng đáng là gương sáng trong sự nghiệp “trồng người” cao cả mà Bác Hồ đã dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Đoàn Toàn