Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đã có biết bao người con của quê hương quận 4 hy sinh một thời tuổi trẻ của mình xông pha vào lửa đạn chống lại sự xâm lược của kẻ thù và giúp đỡ bạn Campuchia chống lại Khơ-me đỏ. Người vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, người may mắn trở về từ cuộc chiến nhưng trên cơ thể vẫn hằn sâu vết thương chiến tranh. Tuy mang trên mình thương tật nhưng nhiều thương binh luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, không ngừng phấn đấu vượt mọi khó khăn, góp phần tạo dựng cuộc sống ấm no cho gia đình...
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Tâm, sinh năm 1968, thương binh 2/4, ở số nhà 37 Cù lao Nguyễn Kiệu, phường 1, quận 4 khi ngoài trời đang mưa lất phất. Trong gian nhà nhỏ, vợ chồng anh đang sống với ba mẹ và hai đứa con thơ .Vợ anh làm tạp vụ cho bệnh viện phải đi làm từ 5 giờ sáng cho đến 7 giờ tối mới về. Anh Tâm ở nhà vừa chạy xe ôm, vừa chăm lo ba mẹ già và hai đứa con thơ. Anh Tâm tâm sự: “Đến đầu năm học, vợ chồng tôi “chạy đầu tắt mặc tối” phải lo tiền sách vở học phí, quần áo mới cho tụi nhỏ, mỗi ngày tui chạy xe cũng kiếm được vài chục, khi nào chở khách đi xa thì đỡ. Vợ chồng tôi không nề hà khổ cực miễn sao kinh tế gia đình ổn định, chúng tôi có điều kiện lo cho các con”.
Anh Tâm đang chạy xe ôm |
Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường K (Campuchia), năm 1988, trong một lần hành quân, anh Tâm giẫm phải mìn, bỏ lại chiến trường một phần chân phải. Đến tháng 01/1989, anh được xuất ngũ về địa phương. Dù vết thương cứ sưng tấy, đau nhức nhưng anh luôn tìm việc làm thuê tự kiếm sống. Sau khi kết hôn, anh Tâm càng lao động cật lực, xoay sở đủ nghề ở nhiều địa phương để phụ vợ nuôi các con ăn học. Anh Tâm chia sẻ: “Trước đây khi trở về địa phương tôi đi học nghề may. Sau thời gian học thành thạo, về nhà mở tiệm may được một thời gian thì công việc bấp bênh nên tôi quyết định xin vào làm công nhân Khu chế xuất Tân Thuận một thời gian, nhưng không đủ sống”. Nhờ được Hội Cựu chiến binh phường 1 bảo lãnh vay vốn, hai vợ chồng cần mẫn làm ăn từ bán nước ở trường học, cho đến bán cháo ở chợ Xóm Chiếu nên cuộc sống dần ổn định rồi dành dụm mua được chiếc xe. Hiện nay, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng làm lụng để lo cho hai con ăn học đàng hoàng.
Những khi trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức, nhưng ngày ngày anh Tâm vẫn chạy xe ôm để có tiền chăm lo cho gia đình. Anh Tâm tâm sự: “Để tránh vết thương bị nhiễm trùng, tôi luôn giữ gìn vết thương sạch sẽ và ngâm chân bằng nước muối. Thời gian đầu ngâm nước muối rát và xót khó chịu lắm nhưng tôi cắn răng chịu đựng, nếu để nhiễm trùng phải tháo khớp, không đi lại được thì khổ cho vợ con lắm…
Là thương binh 4/4, chú Hoàng Minh Phụng sinh năm 1962, ở số nhà 266/40/20/12 Tôn Đản, phường 8, quận 4 vẫn có thể làm nhiều việc nặng nhọc như giúp vợ đi lấy hàng ngoài chợ, dọn bàn ghế buôn bán bún riêu vào buổi sáng và buôn bán tại nhà. Chú Phụng tâm sự: “Tôi lập gia đình từ năm 1979. Năm 1980, theo lệnh tổng động viên, tôi tham gia chiến đấu giúp bạn Campuchia, để lại quê nhà người vợ trẻ và đứa con thơ mới tròn 9 tháng tuổi. Năm 1985, tôi bị thương và được đưa về điều trị tại Bệnh viện 175. Đến năm 1988, tôi trở về địa phương… ”. Ngày trở về quê, thân thể không lành lặn, bị cụt 1 cái chân. Lúc đầu chú Phụng mang trong lòng nhiều mặc cảm nhưng được sự động viên của gia đình, nhất là người vợ sớm hôm tận tình chăm sóc, động viên, cùng chia ngọt sẻ bùi, chú dần hòa nhập với cuộc sống mới.
Chú Phụng đang phụ vợ buôn bán tại nhà |
Trò chuyện cùng chúng tôi, chú Phụng bồi hồi kể về khoảng thời gian khó khăn nhất của hai vợ chồng, đó là khi sinh thêm hai đứa con khiến cuộc sống gia đình càng thêm vất vả. Chú Phụng tâm sự: “Bản thân mình là thương binh được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ là một lẽ nhưng tự mình cũng phải có ý thức vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Chính vì vậy, thời gian qua bản thân tôi luôn nỗ lực phấn đấu… phụ vợ thức khuya dậy sớm buôn bán kiếm từng đồng nuôi các con ăn học”. Nhờ sự cần cù, chịu khó, chú Phụng đã từng bước vượt qua trở ngại của bản thân, cùng vợ con xây dựng kinh tế gia đình ổn định. Trong cuộc sống hằng ngày, chú Phụng thường dạy các con tinh thần tự lập và đức tính cần cù, yêu lao động. Bởi theo chú, chỉ có lao động mới tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và làm giàu cho xã hội…
Những tấm gương thương binh vượt khó như anh Tâm, chú Phụng còn rất nhiều ở các địa phương. Bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành trong công tác đền ơn đáp nghĩa thì sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi thương binh là điều rất đáng trân trọng.
Tường Vi Vân