Với tiến trình hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của Việt Nam hiện nay, sự tác động của tình hình thế giới không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội, mà còn ảnh hưởng đến sự định hướng giá trị tinh thần, đạo đức, lối sống của con người và mỗi gia đình. Trong những năm gần đây, đời sống vật chất xã hội được nâng cao, mức sống của người dân không ngừng được cải thiện, nhưng với nhịp sống ở đô thị ngày càng sôi động và căng thẳng, lối sống chạy theo đồng tiền cũng có nguy cơ phát triển, đã tác động không ít đến sinh hoạt của gia đình. Vì lẽ đó, việc xây dựng gia đình văn hoá theo tiêu chí “no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc” là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Gia đình là tế bào xã hội, là đơn vị kinh tế, đơn vị văn hoá, đơn vị an sinh cơ sở . Mọi sự tốt đẹp của xã hội đều có bắt nguồn từ gia đình, mọi sự không vui, không yên của xã hội cũng có bắt đầu từ gia đình. Bác Hồ từng căn dặn: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Do vậy, trước hết và quan trọng nhất là xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, làm cho những giá trị truyền thống dân tộc được cô đọng hàng ngàn đời nay trong mỗi cá nhân, trong mỗi gia đình được phát huy, từ đó mới xây dựng cuộc sống mới ấm no, giàu sang, tiến bộ và hạnh phúc.
Các nền kinh tế và văn hóa khác nhau trên thế giới đang có xu thế toàn cầu, do vậy mỗi gia đình Việt Nam phải nhận thức được dòng chảy lịch sử hiện nay, phải cố gắng gìn giữ, trân trọng, bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị tinh thần phong phú và quý báu của gia đình trong tiến trình đất nước hội nhập và phát triển. Việc nâng cao chất lượng xây dựng Gia đình văn hóa trong thời gian tới, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người trong cuộc sống năng động hiện nay, rất cần được các ngành các cấp, các địa phương quan tâm. Mỗi thành viên trong từng gia đình vừa biết hướng về cội nguồn, tôn kính tổ tiên, gìn giữ nề nếp gia phong, đạo đức lễ nghĩa trong quan hệ họ hàng dòng tộc; vừa năng động học tập, có trách nhiệm của từng người đối với gia đình, biết làm kinh tế để góp phần làm giàu cho gia đình và cho đất nước; vừa biết chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, là nghĩa tình xóm giềng trong khu phố, là quan hệ bạn bè thân ái, là ý thức trách nhiệm đối với địa phương và cả dân tộc.
Một vùng đất Cảng vẫn đang “thay da đổi thịt” từng ngày, những biến đổi về kinh tế của quận 4 đã góp phần làm cho nhiều gia đình có đời sống kinh tế khá hơn, tuy vậy làm giàu chính đáng chỉ là phương tiện cho sự phát triển, chứ không thể để cho đồng tiền chi phối mạnh mẽ làm suy đồi văn hoá đạo đức, phá vỡ cả đạo lý nề nếp gia phong, đẩy gia đình rơi vào bi kịch. Đa số người dân quận 4 đang có những thay đổi tích cực trong cuộc sống, nên càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa gia đình truyền thống đan xen với việc tiếp thu các giá trị văn hóa gia đình hiện đại.
Nhân Năm Gia đình Việt Nam – 2013, với chủ đề “kết nối yêu thương”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 4 đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ các chuẩn mực gia đình, vun đắp cho nếp nhà thêm đầm ấm, xây dựng gia đình thêm hạnh phúc bền vững. Điều đó chắc chắn sẽ lan tỏa trong tất cả các gia đình trên vùng đất Cảng thấm đậm nghĩa tình …
Nguyễn Hoài Bão