Sáng ngày 06/11/2023, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 4 tổ chức Lễ chào cờ đầu tuần. Dự lễ chào cờ có các đồng chí: Lý Tấn Hòa, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND Quận 4; cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động tại Trung tâm Hành chính Quận 4.
Cán bộ, công chức, người lao động Trung tâm Hành chính quận thực hiện nghi thức chào cờ. |
Sau nghi thức chào cờ, đồng chí Vũ Trọng Sùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 4 đã trình bày và phát biểu cảm nghĩ qua mẩu chuyện “Gương tự học tập của Bác Hồ”.
Đồng chí Vũ Trọng Sùng, đảng viên Chi bộ Hội Cựu chiến binh Quận 4 kể mẩu chuyện “Gương tự học tập của Bác Hồ” |
Chuyện kể, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 06/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Lê-nin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người phải ghi nhớ và thực hành điều đó”. Người còn cho treo trong phòng họp lời dạy của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Người coi lời dạy của Lê-nin và Khổng Tử là phương châm sống và hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911), người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên mới Văn Ba đã nêu cao ý chí tự học: Mỗi ngày, đến 9 giờ tối công việc mới xong… dù mệt lử nhưng trong khi mọi người nghỉ hay đánh bài người thanh niên Nguyễn Tất Thành vẫn đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm. Trong thời gian ở thị trấn Saint Adret, làm vườn cho gia đình viên chủ hãng tàu, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chăm chỉ học tiếng Pháp. Khi gặp những từ mới, người thanh niên Nguyễn Tất Thành viết vào một tờ giấy dán vào chỗ dễ thấy, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Cả khi đi đường vẫn nhẩm những từ mới học. Và cứ như thế, mỗi ngày, người thanh niên Nguyễn Tất Thành học thêm vài từ mới, và tìm cách ghép câu để dùng ngay. Sau đó không lâu, người thanh niên Nguyễn Tất Thành học cách viết báo từ bài báo ngắn đến bài báo dài và từ bài báo dài lại viết ngắn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nhanh chóng trở thành nhà báo có uy tín tại thủ đô nước Pháp và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria”( Người cùng khổ) với nội dung đầy sức chiến đấu, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.
Trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành còn đi đến nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Đức và cả Tòa thánh Vatican để bổ sung những điều đã đọc trong sách vở. Khi đến Liên Xô, đất nước của Lê-nin vĩ đại, làm việc ở Bộ Phương Đông, học ở Trường Quốc tế Lê-nin, nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa, Nguyễn Tất Thành tự học tiếng Nga và có những bài viết đăng báo, tạp chí và đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lê-nin. Năm 1928, khi hoạt động cách mạng tại Thái Lan, Nguyễn Tất Thành đã tự học thêm tiếng Thái. Mỗi ngày học 10 chữ và chỉ sau ba tháng đã xem được báo chữ Thái.
Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (1935), với bí danh Lin, khi khai lý lịch, trả lời câu hỏi về trình độ học vấn (tiểu học, trung học, đại học), Nguyễn Tất Thành ghi: Tự học. Trả lời câu hỏi: Đồng chí biết những ngoại ngữ nào? được ghi: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga.
Người luôn luôn nhắc nhở đồng chí của mình và thế hệ trẻ phải nỗ lực học và tự học. Người ân cần dạy bảo: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Và chính cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời về tự học. Dù Người đã đi xa, song tấm gương học, học không biết mệt mỏi của Người thì vẫn còn sống mãi với muôn đời các thế hệ con cháu mai sau.
Qua câu chuyện, có thể thấy tấm gương tự học và những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự giáo dục mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nghiêm túc học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự trang bị cho mình một phương thức học tập, rèn luyện thiết thực, hiệu quả để làm tròn vai trò, chức trách được giao, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước để xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.
Trong nhiều năm qua, Chi bộ Hội Cựu Chiến binh Quận 4 xác định noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tuyên truyền và vận động cán bộ, đảng viên, hội viên không ngừng học tập để rèn luyện bản thân, học từ mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh trong cuộc sống, học những điều hay, lẽ phải nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, qua đó tích cực tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ quyền vào lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Tâm Tâm