Sự gắn kết, đồng hành giữa quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH&CN, ĐMST) với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội vẫn còn là thách thức lớn tại TP.HCM.
Trước đó, TP đã ban hành kế hoạch để thực hiện chiến lược phát triển KH&CN, ĐMST đến năm 2025. Đây là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội TP.
Vai trò động lực phát triển của KH&CN, ĐMST
Ngay từ sớm, TP.HCM đã nhận ra tầm quan trọng của việc tận dụng và phát triển tiềm năng KH&CN trong quá trình chuyển đổi số, bởi đây là trụ cột không thể thiếu để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Những thành quả về KH&CN đã góp phần quan trọng đưa TP trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và KH&CN hàng đầu của cả nước.
Khoảng 10 năm trở lại đây, từ động lực phát triển do KH&CN mang lại, cơ cấu kinh tế TP đã chuyển biến tích cực, tăng trưởng năng suất, chuyển đổi thành công ngành nông nghiệp sang nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả này đã được thể hiện thông qua các chỉ số năng suất và tăng trưởng năng suất lao động xã hội cao hơn cả nước.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP cũng đang tiến gần đến top 100 TP có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và phát triển sản phẩm mới.
"Trong giai đoạn 2016 - 2022, GRDP TP tăng bình quân 5,47%, đóng góp trên 17,05% kinh tế cả nước và 26,2% tổng thu ngân sách nhà nước. TP đã chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp KH&CN 4.704 tỷ đồng và chi cho đầu tư phát triển KH&CN 8.898 tỷ đồng." Theo Sở KH&CN TP.HCM.
Tuy nhiên, kỳ vọng về sự phát triển và đóng góp của KH&CN, ĐMST là rất lớn, đồng thời trước yêu cầu của tình hình mới càng gia tăng áp lực, đặt lên vai ngành KH&CN.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 87/NQ-CP ngày 2/6/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Chính phủ đặt ra, năm 2030, tăng trưởng kinh tế số của TP đóng góp vào GRDP lên mức 40%. Đây là một mục tiêu rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi sang kinh tế số. TP sẽ cần phải đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ và các dịch vụ trực tuyến trong thời gian tới.
Nhiều thách thức lớn cần gỡ điểm “then chốt”
Trước áp lực tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, ngành KH&CN, ĐMST TP cần nhanh chóng gỡ những điểm then chốt nhằm có thể “kích nổ” phát triển đột phá và tạo ra môi trường phát triển bền vững hơn.
Theo Sở KH&CN TP.HCM, những thách thức lớn của ngành KH&CN TP hiện nay đó là đầu tư cho KH&CN vẫn còn hạn chế, nhỏ, lẻ và tản mạn; thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt, tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, chủ lực, mang thương hiệu của TP; cơ chế và chính sách về KH&CN còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển, chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ, năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp; liên kết giữa cơ quan quản lý, trường viện và doanh nghiệp trong đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ còn yếu.
Từ đó, để KH&CN thực sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Sở KH&CN TP đã đưa ra hàng loạt giải pháp về sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về KH&CN với pháp luật liên quan; thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài để hỗ trợ giải bài toán cụ thể của TP; tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST.
Với những giải pháp trên, ngành KH&CN thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình hành động mang tính trọng tâm, trọng điểm, liên tục và lan tỏa. Theo Sở KH&CN, những tập trung then chốt sắp tới nhằm giúp “kích nổ” KH&CN TP phát triển cần phải đổi mới sẽ được đẩy mạnh.
Đầu tiên, đó là xây dựng, hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc trong lĩnh vực KH&CN, ĐMST. Những trung tâm này sẽ tập trung nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao để cùng triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán lớn của TP. Đồng thời, những trung tâm này sẽ dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới và triển khai các nhiệm vụ ở trình độ quốc tế.
Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về KH&CN, ĐMST. Điều này bao gồm triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST trong một số dự án KH&CN cụ thể hoặc một số nhóm đối tượng đặc thù, như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học.
Thứ ba, xây dựng chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, ĐMST. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho viện, trường để tiếp cận với thực tiễn sản xuất, từ đó đưa ra những giải pháp mới, cải tiến quy trình sản xuất và tăng năng suất.
Hồng Ân (Báo Khoa học phổ thông)