Ngày 17/10/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2011/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo Nghị định trên thì mức phạt tiền cao nhất lên đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ bị phạt tiền với các mức như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi: sau khi sinh con, cha hoặc mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng; cha, mẹ bỏ mặc con, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; cha,mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cha, mẹ người giám hộ có hành vi bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi;
Nghị định trên còn quy định các hành vi khác nếu vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Về thẩm quyền xử phạt: Thanh tra viên Lao động-Thương binh và Xã hội trong khi thi hành nhiệm vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng.; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 30.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thẩm quyền và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thẩm quyền và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2011 và bãi bỏ một số nội dung của Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em.
Phước Đầy