Trong cuộc đời, tôi đã từng chứng kiến và xúc động trước nét đẹp cao quý của những người thầy thuốc. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, tôi xin kể lại những mẫu chuyện có thật để nói lên lòng biết ơn của mình đối với những thiên thần áo trắng.
1- Khi còn là bà mẹ trẻ, có lần tôi phải chứng kiến cảnh con trai tôi mới 5 tuổi, đưa đi cấp cứu vì nóng sốt quá cao. Chiếc xe cứu thương đưa con tôi vào bệnh viện và các y, bác sĩ hối hả chạy ra đón bé, khẩn trương làm các thao tác cấp cứu. Đứng quan sát qua ô cửa kính, thấy bóng dáng những chiếc áo blouse trắng hối hả, chạy tới, chạy lui, tập trung chữa trị cho con trai, tôi vừa hồi hộp, vừa xúc động đến rơi nước mắt.
Lúc ấy tôi và nghĩ câu “lương y như từ mẫu” thật đúng! Bằng chuyên môn và tấm lòng của mình, các bác sĩ đã giúp cho con tôi cũng như bao đứa trẻ thoát qua những cơn bệnh hiểm nghèo. Trong quá trình làm mẹ, tôi cũng vô cùng biết ơn những “thiên thần áo trắng” đã đồng hành cùng tôi với nhiệm vụ nuôi con khỏe mạnh, lớn lên từng ngày.
2- Nhớ cách đây nhiều năm, ba tôi gặp tai nạn, bị tụ máu trên não. Ba phải nhập viện mỗ để giải quyết cục máu đông ở vị trí khá hiểm hóc là não bộ. Ca mỗ do ê kíp bác sĩ giỏi tay nghề của Bệnh viện Thống Nhất đảm trách.
Cả nhà, anh chị em, con cháu đến bệnh viện ngồi ở hàng ghế đá trước phòng hồi sức của bệnh viện trông đợi kết quả, đợi mãi từ sáng sớm đến quá trưa mà vẫn chưa thấy bóng dáng của y, bác sĩ ra khỏi phòng mỗ. Thật là hồi hộp, căng thẳng. Mãi đến 16 giờ chiều, bác sĩ phụ trách ca mỗ xuất hiện ở cửa phòng với chiếc áo blouse trắng. Tất cả đều đứng bật dậy. Bác sĩ chỉ nói vỏn vẹn câu: “Ca mỗ đã thành công” rồi vẫy tay chào chúng tôi đi vào một phòng khác. Chiếc áo blouse trắng phất phới bay theo bước đi nhanh nhẹn của vị y sĩ. Lúc ấy, tôi thấy ông đẹp tựa một thiên thần. Vâng! Đẹp lắm những “thiên thần áo trắng”, những người đã cứu mạng ba của chúng tôi và nhiều người khác nữa
3- Khi về hưu, tôi đi khám bệnh ở một bệnh viện tư nọ, tình cờ gặp một bác sĩ trẻ. Với đồng lương hưu hạn hẹp, tôi chần chừ khi làm các xét nghiệm với giá cao ở đây. Thấy vậy, người bác sĩ này đã vui vẻ chỉ dẫn cho tôi xét nghiệm một trung tâm khác, giá mềm hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng. Người bác sĩ trẻ còn nói: “Khám xong, có kết quả, cô mang hồ sơ đến, con sẽ tư vấn miễn phí và hướng dẫn cô điều trị”. Tôi đang ngần ngại thì bác sĩ nói: “Không có gì đâu cô, giúp người chữa bệnh là niềm vui của con. Con thường khám miễn phí cho các cô chú lớn, tuổi mà...”.
Giữa thời buổi kinh tế thị trường này, khi mà cái gì cũng được tính bằng tiền, nghe lời nói của người bác sĩ trẻ, làm ở bệnh viện tư, tôi vừa bất ngờ, vừa cảm động. “Cháu bác sĩ” thân mến ơi! Biết là giúp cô chỉ là chuyện nhỏ trong chuyên môn và cháu đã từng giúp nhiều người khác như vậy, nhưng cô không khỏi suy nghĩ. Cháu có biết không, câu nói mà cháu buông ra chính là “Y đức”!
4- Khi dịch Covid-19 lan tràn khắp nơi, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng đã làm xúc động toàn xã hội, là nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc, họa… Họ đã dũng cảm hy sinh, gác lại chuyện riêng, chiến đấu quên mình trong bệnh viện, mấy tháng trời không về nhà. Hoặc có về nhà thì cũng chỉ đúng xa xa nhìn con, nhìn cha mẹ một chút, rồi lặng lẽ ra đi, tiếp tục làm nhiệm vụ. Tại bệnh viện, ngày nào họ cũng mặc bộ quần áo bảo hộ nóng bức, gương mặt in hằn dấu vết khẩu trang, họ phải thức ròng rã nhiều đêm liền để chăm sóc người bệnh. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, không cho người thân thăm nuôi thì gánh nặng nghiêng về người thầy thuốc. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn phải đút cơm, đút cháo, thay tả, làm vệ sinh cho bệnh nhân, hướng dẫn tập thở và dỗ dành, động viên bệnh nhân chống chọi với bệnh tật. Nếu không có “tâm” sẽ không làm được những việc ấy!
 |
Khi gia đình tôi có người bị nhiễm Covid-19, tôi được chứng kiến tận mắt những việc làm của những chiến sĩ áo trắng với sự hy sinh thầm lặng và cao cả. Lúc ấy, tôi đã gọi điện cầu cứu bác sĩ Trưởng Trạm Ytế Phường. Bác sĩ đã không quản nguy hiểm, không sợ lây nhiễm, mỗi ngày đến chăm sóc cho ba tôi và những nhà có người lớn tuổi, neo đơn khác trong phường. Sau đó, hay tin bác sĩ bị dương tính mà tim tôi đau nhói. Đó là kết quả những ngày hy sinh, lăn xả, tận tụy chăm sóc cho người bệnh, trong đó có ba và em của tôi. Cũng như bao gia đình khác, gia đình tôi luôn biết ơn, trân trọng và khắc ghi hình ảnh các y bác sĩ. Những bài hát, lời thơ ca ngợi những chiến sĩ áo trắng mà tôi nghe trước đây, dường như vẫn còn chưa đủ. Vâng! Không bút mực nào có thể diễn tả hết nét đẹp đẽ, cao quí của người thầy thuốc trong mặt trận chống dịch. Hình ảnh ấy được cảm nhận sâu sắc bằng chính những điều mắt thấy, tai nghe, gương người thật, việc thật, bằng những rung động thật sự của con tim trước những câu chuyện như cổ tích giữa đời thường…
Tôi thầm nghĩ, nghề y là một nghề cao quý, tuy lặng thầm nhưng rất đỗi tự hào. Đẹp vô cùng những “lương y như từ mẫu”, những “thiên thần áo trắng” cao quý, thân thương, dù không bảng vàng, bia đá nhưng họ xứng đáng là những anh hùng!
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những chiến sĩ ngành y, những thiên thần áo trắng luôn chiến đấu hết mình vì sức khỏe của bệnh nhân, vì sự sống của nhân loại. Kính chúc các y, bác sĩ có thật nhiều sức khỏe, vui vẻ, luôn giữ vững niềm tin và sự lạc quan để tiếp tục cứu giúp thêm nhiều người hơn nữa.
Minh Thi