Dịch bệnh Covid-19 đang có những ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng chống HIV/AIDS. Chính bởi vậy, tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 được tổ chức thực hiện với chủ đề “Tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm duy trì các hoạt động và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Như chúng ta đã biết HIV là tên của loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, và AIDS là giai đoạn cuối của nhiễm HIV, khi cơ thể mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra hay còn gọi là bệnh AIDS. Đến nay vi rút HIV và bệnh AIDS chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người đã nhiễm HIV phải sống chung với vi rút suốt đời. Hằng ngày phải sử dụng thuốc ARV để ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thông thường người nhiễm vi rút HIV có sức đề kháng thấp hơn so với người bình thường, chính vi vậy mà nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng sẽ cao hơn so với những người khác. Chính vì vậy bản thân người nhiễm HIV cần phải cảnh giác cao hơn so với người bình thường để chủ động đề phòng dịch bệnh Covid-19 cho bản thân mình và phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người nhiễm HIV khi mắc Covid-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn. Một báo cáo của WHO dựa trên dữ liệu giám sát lâm sàng từ 37 quốc gia về nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19 ở những người nhiễm HIV nhập viện cho thấy nguy cơ phát triển Covid-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người có HIV cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV. Những bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường và tăng huyết áp cũng thường gặp ở những người có HIV, do đó khi mắc Covid-19 nguy cơ thường nặng hơn. Báo cáo cũng chỉ ra gần một phần tư (23,1%) tổng số người nhiễm HIV nhập viện do Covid-19 đã tử vong và nguy cơ phát triển Covid-19 nghiêm trọng hoặc tử vong.
Dự báo dịch Covid-19 có thể còn kéo dài và chúng ta có thể sẽ sống chung với dịch Covid-19 trong tình hình mới, do vậy cùng với phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19. Tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua các kênh truyền thông đại chúng và qua nền tảng trực tuyến, mạng xã hội. Tăng cường mô hình tại cộng đồng do cộng đồng triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như qua online, từ xa, lưu động và tự xét nghiệm.
Đảm bảo dự trù và cung ứng đủ sinh phẩm xét nghiệm và thuốc (ARV; Thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV; Methadone) và vật phẩm can thiệp giảm tác hại như bơm kim tiêm, bao cao su.
Cần có quỹ hỗ trợ thuốc ARV, PEP khẩn cấp trong tình huống thiếu thuốc tại địa phương hoặc cho những người gián đoạn do BHYT để đảm bảo người sống với HIV được duy trì đều đặn sử dụng thuốc.
Ưu tiên tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho các nhân viên hỗ trợ và nhân viên tiếp cận cộng đồng và cho người nhiễm HIV.
TTVH