Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.HCM được ban hành kèm theo Quyết định 3328/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021.
Tiêu chí: Đối với người lao động
Người lao động tham gia sản xuất phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là người có “Thẻ Xanh Covid” hoặc “Thẻ Xanh Covid (giới hạn phạm vi hoạt động)”.
- Được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR) trước khi vào làm việc.
100% người lao động tham gia vào sản xuất đạt điều kiện: Đạt;
Có người lao động tham gia vào sản xuất không đạt điều kiện: Không đạt.
Tiêu chí: Xét nghiệm cho người lao động
- Đơn vị phải có kế hoạch và tự tổ chức xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động bằng xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp), báo cáo kết quả xét nghiệm cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
- Tần suất xét nghiệm cho các nhóm đối tượng người lao động theo quy định của ngành y tế: 07 ngày/lần đối với nhóm thông thường, 03 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao (thay đổi theo thời điểm/kịch bản phòng, chống dịch do cơ quan y tế yêu cầu).
Có thực hiện: Đạt;
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ: Không đạt.
Tiêu chí: Về quy định khoảng cách an toàn tại nơi làm việc
Kiểm soát mật độ người lao động ở các phân xưởng (tính bằng số diện tích làm việc cho 01 người lao động) từ 4m2 trở lên và khoảng cách giữa 02 người lao động từ 2m trở lên. Trường hợp không đảm bảo thì phải có vách ngăn giữa 02 người lao động hoặc người lao động có sử dụng kính che giọt bắn.
Có thực hiện: Đạt;
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ: Không đạt.
Tiêu chí: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị
- Bố trí nhân lực thực hiện đo thân nhiệt; giám sát việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế điện tử tại cổng ra vào và tại mỗi khu vực sản xuất; đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m và tránh tập trung đông người đối với người lao động, khách ra, vào đơn vị,
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại đơn vị thông qua phương tiện giám sát (như lắp camera theo dõi tự động, quét mã nhận diện QR,...) hoặc bố trí lực lượng tại chỗ kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người lao động tuân thủ quy định phòng, chống dịch.
Có thực hiện: Đạt;
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ: Không đạt.
Tiêu chí: Trang bị cơ sở vật chất, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại đơn vị
- Cung cấp đẩy đủ khẩu trang y tế cho NLĐ mỗi ngày và bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí có tiếp xúc chung như cây ATM, bình nước uống công cộng, máy bán hàng tự động, thang máy,... bố trí thùng rác có nắp đậy tại các vị trí thuận tiện.
- Có hợp đồng với đơn vị y tế (nhà nước hoặc tư nhân) hoặc bố trí nhân lực y tế chuyên trách tại cơ sở để theo dõi sức khỏe cho NLĐ theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế; xây dựng quy chế y tế cơ sở và thường xuyên kết nối với y tế địa phương.
- Bố trí khu vực/phòng cách ly tạm thời tại cơ sở theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế.
Có thực hiện đầy đủ: Đạt
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ: Không đạt.
Tiêu chí: Đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các khu vực
- Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại nơi làm việc/nơi lưu trú tập trung ít nhất 01 lần/ngày, nhà vệ sinh ít nhất 04 lần/ngày; bố trí dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng rửa tay tại nơi làm việc, trước cửa ra vào, nơi giao nhận hàng hóa, nơi ăn uống, khu vực nhà vệ sinh và nơi lưu trú tập trung của người lao động; vệ sinh, khử khuẩn quần áo, kính che giọt bắn,... sau khi kết thúc ca làm việc (nếu có).
- Tạo môi trường thông thoáng tại nơi làm việc; tăng cường thông khí tự nhiên nhà xưởng bằng hệ thống cửa mở quạt hút gió, hạn chế sử dụng điều hòa nếu có thể.
Tiêu chí: Tổ chức bữa ăn ca cho người lao động
- Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ.
- Thực hiện giãn cách tại khu vực nhà ăn: sắp xếp giờ nghỉ giải lao/ăn trưa lệch giờ; cung cấp suất ăn cá nhân, tránh tập trung đông người ở căng tin, nhà ăn trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện, không nói chuyện khi ăn; đảm bảo khoảng cách 2 m giữa 02 người lao động khi ăn hoặc lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn.
- Bố trí bồn rửa tay, nước sát khuẩn tại khu vực nhà ăn.
Có thực hiện: Đạt;
Không thực hiện: Không đạt.
Tiêu chí: Kiểm soát lưu thông và lưu trú của người lao động
(1) Kiểm soát lưu thông của người lao động
- Đối với người di chuyển bằng xe cá nhân: Có bản cam kết của người lao động di chuyển bằng xe cá nhân đảm bảo tuân theo lộ trình đã đăng ký từ nơi ở đến nơi làm việc cung đường xanh).
- Đối với người lao động di chuyển bằng xe đưa đón của cơ sở: phương tiện phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch (đảm bảo không gian thông thoáng, lập danh sách và vị trí ngồi cố định trên xe, bố trí dung dịch sát khuẩn tay và nhiệt kế để đo thân nhiệt
của người lao động, vệ sinh khử khuẩn đầy đủ trước và sau mỗi lần -đưa, đón người lao động), đảm bảo điều kiện lưu thông và lộ trình đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, tài xế được xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ, người lao động tuân thủ 5K.
(2) Kiểm soát lưu trú của người lao động
- Nơi lưu trú tập trung (Khu nhà trọ tập trung, ký túc xá; khách sạn, nhà nghỉ,...) và nơi lưu trú riêng (nhà riêng) của người lao động phải đáp ứng theo các quy định, hướng dẫn của ngành y tế.
- Có thống kê, cập nhật danh sách nơi ở thuộc vùng xanh của từng người lao động. Có danh sách người lao động làm việc ở bộ phận có tiếp xúc trực tiếp với người bên ngoài doanh nghiệp (tài xế, nhân viên kinh doanh, quản lý, bảo vệ,...), người có nguy cơ cao.
- Có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý người lao động trong việc lưu thông và lưu trú (nếu có).
Thực hiện đầy đủ: Đạt
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ: Không đạt.
Tiêu chí: Có phương án tổ chức sản xuất an toàn và phòng, chống dịch tại đơn vị
- Căn cứ vào quy mô, điều kiện hoạt động, đơn vị lựa chọn áp dụng một trong những phương thức:
(1) “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ theo kíp”;
(2) “1 cung đường - 2 điểm đến” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến mở rộng";
(3) “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh);
(4) kết hợp 3 phương thức nêu trên; hoặc xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo Bộ tiêu chí này.
Căn cứ vào thực tế triển khai và kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh phương án cho phù hợp. Có thông báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương nơi trú đóng để tổ chức hậu kiểm,
- Xây dựng phương án phòng, chống dịch tại đơn vị, trong đó: thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, các Tổ an toàn COVID-19; có phương án xử lý khi phát hiện ca nghi và nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức thực hiện các cam kết về phòng, chống dịch tại nơi làm việc theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế.
Thực hiện đầy đủ: Đạt
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ: Không đạt.
Tiêu chí: Thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị
- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho người lao động về các quy định phòng, chống dịch COVID-19 (các khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố về công tác phòng, chống dịch; tài liệu truyền thông về rửa tay, quy định 5K, đeo khẩu trang đúng cách,...).
- Treo, dán các áp phích, phân phát các tờ rơi về phòng, chống COVID-19 tại các khu vực công cộng (khu vực dùng chung tại nơi làm việc, nhà ăn, khu vực nhà vệ sinh, cây ATM...) và trên phương tiện đưa đón người lao động.
Có thực hiện đầy đủ: Đạt;
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ: Không đạt.
TTVH