Chỉ một lần do sách giáo khoa có nhiều cải cách nên em phải mua một bộ sách mới. Còn lại, những quyển sách em học đều là sách cũ do các anh chị lớp trước để lại cho. Tuy nhiên, thành tích học tập của em vẫn đảm bảo với những điểm số luôn khiến cho bạn bè phải xuýt xoa thán phục.
Vươn lên gian khó
Cường luôn có ý thức trong việc học
|
Chúng tôi ghé nhà em Ngô Quốc Cường (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trãi) vào buổi trưa giữa tháng tư. Đó là một ngôi nhà nhỏ, khá ẩm thấp nằm trong con hẻm 538, đường Đoàn Văn Bơ, phường 14, quận 4. Thật ra, đó là nhà của bà ngoại mà gia đình em đã ở nhờ từ bấy đến nay. Tường của ngôi nhà đã xuất hiện vết nứt, những tấm ván ép làm trần bắt đầu bong ra và mái tôn thì dột lỗ chỗ. Bà ngoại của Cường kể: “Đêm qua trời mưa, chừng 4 giờ sáng đang ngủ thì nó phải giật mình thức dậy vì người bị ướt hết”. Thì ra do nền nhà thấp, Cường lại ngủ dưới nền gạch vì nhường chiếc giường nhỏ cho em trai của mình nên khi nước ngập ướt hết người em mới hay.
Căn phòng khách ọp ẹp cũng chính là góc học tập của Cường. Ở đó, chỉ kê vừa một chiếc tủ thờ, hai cái bàn nhỏ (một để tiếp khách và một cho Cường ngồi học) cùng vài chiếc ghế gỗ cũ kỹ. Chúng tôi thấy có một bộ sách giáo khoa lớp 12 đặt ngay ngắn trên bàn, Cường cho biết: “Của một chị học cùng trường đã tặng lại cho em”. Nhìn qua bảng thành tích của Cường, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ: 10 năm liền là học sinh giỏi, đậu thủ khoa khi thi vào lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Trãi, học sinh giỏi cấp quận môn vật lí năm học 2008 – 2009, giải thưởng Hoa Trạng nguyên năm 2010, giấy khen thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2010 do Thành đoàn cấp, giấy khen học sinh tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác năm học 2010 – 2011 do Sở Giáo dục cấp… Trong học kỳ I vừa rồi, Cường cũng là học sinh giỏi nhất trường với điểm bình quân 9,2.
Làm theo Bác từ việc nhỏ
Cha của Cường, ông Ngô Quốc Cang cho biết: “Tiền lương của tôi và mẹ nó gộp lại mỗi tháng cũng chỉ 3 triệu đồng. Được cái Cường luôn ý thức được hoàn cảnh gia đình nên không đua đòi gì mà chỉ chăm chú học”. Cũng theo cha Cường tiết lộ, nhờ các thầy cô trong trường thông cảm với hoàn cảnh của em nên đã giúp đỡ tiền học hay dạy phụ đạo hoàn toàn miễn phí. Khi được hỏi về quá trình học tập và làm theo lời Bác của mình, Cường chia sẻ: “Theo em học tập và làm theo Bác là không khó. Chỉ cần mình cố gắng từ những việc nhỏ, kiên trì thì sẽ được”. Cường rất thích câu chuyện Bác cứ mang mãi một đôi dép cũ đã vẹt mòn. Dù được mọi người đưa đến đôi dép mới nhưng Bác từ chối vì đất nước và nhân dân còn nghèo. Trong cuộc sống thường nhật, Cường cũng hết sức tiết kiệm. Em tận dụng những gì còn dùng được (học bằng sách cũ là một ví dụ), hay sử dụng điện, nước hợp lí. Nếu phải xài tiền, em luôn đắn đo sao cho số tiền ấy được dùng vào việc ý nghĩa nhất. Cường còn làm theo Bác ở ý thức học tập rất cao. Ngoài thời gian học ở trường, phần lớn thời gian về nhà em cũng dành cho việc tự học. Bà ngoại Cường cho biết, việc em thức đến 23, thậm chí 24 giờ khuya để ôn bài là thường. Để có tài liệu mở mang thêm kiến thức, bên cạnh mượn từ bạn bè, Cường còn tranh thủ lên thư viện của trường để đọc. Thường ngày, kênh ti vi em hay mở là Star World: “Xem để vừa giải trí, vừa trao dồi thêm tiếng Anh” – Cường lí giải.
Cô Nguyễn Hồng Thùy Linh – Giáo viên chủ nhiệm của Cường đã dành những lời trìu mến cho cậu học trò của mình: “Cường rất ngoan, lễ phép và có ý thức học tập rất cao. Với bạn bè em cũng luôn gần gũi, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ các bạn. Ngoài ra, với cương vị là lớp phó học tập, em có phương pháp làm việc khoa học, nhiệt tình cùng tinh thần trách nhiệm cao”.
THANH HÒA