Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh Cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 15 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Yên Bái, Đắk Lắk, Khánh Hoà, Quảng Nam) và 02 tỉnh có đã xảy ra dịch CGC A/H5N1 là Cà Mau và Tiền Giang.
Hiện cả nước đang có 18 ổ dịch CGC A/H5N6 tại 14 huyện thuộc 08 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Lắk) và 01 ổ dịch H5N1 tại tỉnh Tiền Giang chưa qua 21 ngày; số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 43.585 con.
|
Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 đang xảy ra tại các địa phương, đồng thời chủ động ngăn chặn các chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng nội dung tại Quyết định số 172 ngày của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025". Gần đây nhất, ngày 08/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 163 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Cúm gia cầm, nhằm chủ động ngăn chặn việc xâm nhập mầm bệnh vào thành phố, đảm bảo an toàn dịch tễ gia súc, gia cầm và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, người dân cần tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm không để xảy ra dịch Cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:
- Tuyệt đối không được phép nuôi gia cầm (kể cả gà đá) trong nội thành, nội thị, ven nội, khu đô thị mới. Ở các huyện ngoại thành, không chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ, lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học;
- Không tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết, chất thải, chất độn chuồng, dịch tiết của gia cầm, các loài chim và chim hoang dã bị nhiễm bệnh;
- Không giết mổ, ăn thịt gia cầm bệnh, chết; gia cầm không rõ nguồn gốc;
- Không mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm sống trái phép và không kinh doanh sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y;
- Không ăn tiết canh và các sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín. Người dân hãy sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch và nấu chín trước khi sử dụng;
- Phải thông tin nhanh cho chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh về các nội dung dưới đây :
1. Khi thấy đàn gia cầm có dấu hiệu bất thường như tụ lại 1 chỗ, thở khó, chảy nước mắt, tiết dịch nhầy ở miệng; đứng không vững, run đầu cổ, co cứng cơ, nghẹo cổ, liệt chân; đặc biệt có dấu hiệu phù đầu, tím tái mồng tích, xuất huyết chân, chết đột ngột hàng loạt;
2. Phát hiện mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép;
3. Phát hiện xác gia cầm chết ngoài môi trường như ao, hồ, sông, rạch, ...;
TTVH