Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chương trình cho vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 10/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Trong giai đoạn từ tháng 6 năm 2016 đến 31 tháng 12 năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố đã thực hiện cho vay vốn đối với 44 khách hàng trên toàn thành phố thuộc đối tượng nêu trên. Trong đó, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Quận 4 và Quận 1 đã hỗ trợ vốn vay cho 3 khách hàng trên địa bàn Quận 4. Có vốn để sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đối tượng thụ hưởng chương trình đã dần xóa được mặc cảm, tự ti, dễ dàng hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định, có điều kiện, chi phí để chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, ổn định cuộc sống.
Cụ thể như trường hợp anh Lục Phi Hùng, Phường 4, Quận 4. Năm 1995, khi mới 14 tuổi vì không nhận thức được hết nguy hiểm của ma túy, anh đã vướng vào tệ nạn xã hội, được gia đình đưa đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện. Sau khi trở về địa phương, với nỗ lực, quyết tâm cai nghiện của bản thân, anh đã tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của địa phương, khu phố, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Quận 4 và Quận 1, đặc biệt là cô Võ Thị Tiền, Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn Khu phố 1, Phường 4 mà anh Lục Phi Hùng đã được vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm vốn kinh doanh đại lý vé số, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Nhờ nguồn vốn, sự giúp đỡ kịp thời của của Ngân hàng Chính sách, sự hỗ trợ của đoàn thể, Tổ Tiết kiệm và vay vốn, đến nay đại lý vé số của gia đình anh Hùng đã hoạt động tương đối ổn định, gia đình anh đã có thu nhập khá để cải thiện cuộc sống. Hiện nay, anh Lục Phi Hùng còn tích cực tham gia các hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện của phường, giúp đỡ tư vấn những người cùng hoàn cảnh làm ăn, phát triển kinh tế.
Anh Lê Đăng Gia, Phường 8 đã được tổ tư vấn của phường giúp đỡ tham gia điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế, cùng sự động viên hỗ trợ của gia đình anh và vợ đã vay vốn 20 triệu đồng của chương trình, mở một quán nhỏ bán cà phê, giải khát để có thêm thu nhập. Nguồn vốn lãi suất thấp vay của Ngân hàng chính sách xã hội từ năm 2016 tới nay đã giúp vợ chồng anh Lê Đăng Gia có vốn để làm ăn, tự lực vươn lên, sống có ích, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đến nay sức khỏe của anh Gia đã được cải thiện rất nhiều, anh còn mua được xe mới để chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập cho gia đình khi hai vợ chồng chuẩn bị đón thêm thành viên mới. Cuộc sống gia đình anh đã thật sự thay đổi khi có một phần giúp đỡ từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Một trường hợp nữa, đó là anh Huỳnh Anh Dũng ở Phường 6 cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban nhân dân phường, tổ Tiết kiệm và vay vốn ở khu phố hướng dẫn, xem xét cho vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Số vốn 20 triệu đồng anh vay từ năm 2015 đã giúp vợ chồng anh có vốn để buôn bán, vợ bán bún, chồng bán nước mía. Gia đình anh luôn chấp hành tốt các quy định của ngân hàng, Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn. Vì vậy anh đã được xem xét cho tái vay lại hai lần sau khi hết hạn hợp đồng vay. Anh tâm sự, nhờ có đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian vay tương đối dài nên gia đình và bản thân anh mới có điều kiện để tích lũy dần, một phần trả nợ ngân hàng, phần lo cho cuộc sống và cũng để an tâm tiếp tục, kiên trì điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế.
|
Có thể thấy, những trường hợp được vay vốn từ Chương trình tín dụng ưu đãi mang đầy tính nhân văn này đều sử dụng vốn có hiệu quả để kinh doanh, buôn bán, thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình. Chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 29/2014/QĐ-Tg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân khó khăn thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương được hòa đồng với cuộc sống, đóng góp sức lao động vào sự phát triển chung của địa phương và toàn xã hội; tạo cơ hội thay đổi tích cực cho những người có ý chí, quyết tâm vươn lên làm lại cuộc đời. Đây thật sự là một chính sách đúng đắn, nhân văn và kịp thời của Đảng và Nhà nước để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
KA