Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh là hoạt động chủ động của mọi quốc gia trên cơ sở nhận thức và vận dụng các quy luật của hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Bất kỳ một quốc gia nào, nước giàu cũng như nước nghèo, nước lớn cũng như nước nhỏ đều phải đặt phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trong một chiến lược chung, đây là vấn đề mang tính quy luật.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh là quan điểm nhất quán của Đảng ta, là sự tiếp nối truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” cùng với các chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, “thực túc binh cường”... Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, chúng ta phải kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể thống nhất. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn bởi kinh tế, quốc phòng, an ninh là những mặt hoạt động cơ bản của mỗi quốc gia, dân tộc độc lập, có chủ quyền. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định, quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh là quy luật tất yếu khách quan trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi lĩnh vực có mục đích, cách thức hoạt động riêng và chịu sự chi phối của hệ thống quy luật riêng, song giữa chúng lại có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau.
Trong đó, kinh tế là yếu tố suy cho đến cùng quyết định đến quốc phòng, an ninh, ngược lại, quốc phòng, an ninh cũng có tác động tích cực trở lại với kinh tế, bảo vệ và tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế phát triển. Giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh là nội dung đặc biệt quan trọng đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành phù hợp và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương. Để thực hiện tốt vấn đề trên cần tập trung cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp trong việc thực hiện kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng. Có nhiều vấn đề thuộc về nhận thức, về cơ chế đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, trong đó trước hết cần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, sự quản lí điều hành của chính quyền các cấp trong công tác kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành và địa phương, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong thực hiện chủ trương kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, chống tư tưởng và hành động tự do vô chính phủ trong hoạt động kinh tế cũng như trong hoạt động quốc phòng, an ninh, các hành động phương hại đến phát triển kinh tế và sức mạnh quốc phòng của đất nước.
Hai là, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, đặc biệt là cán bộ quản lý. Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định “Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội”. Đây là quan điểm thể hiện phát triển nhận thức của Đảng ta về quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, đồng thời cũng khẳng định việc kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn dân của mọi thành phần kinh tế, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phong, an ninh trong tình hình mới. Đây là nội dung rất quan trọng nhằm cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh thành các văn bản, tiến hành quán triệt, tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả cao, cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo chỉ đạo và quản lý. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung quán triệt nắm chắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến mối quan hệ này làm cơ sở để giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa tự bảo vệ và được bảo vệ, phù hợp với thực tiễn đất nước và thông lệ quốc tế.
Bốn là, xây dựng chiến lược cụ thể kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong thời kì mới. Nhà nước cần thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước đặt nó trong tổng thể chung của chiến lược phát triển kinh tế của từng giai đoạn. Trong thời gian tới, việc kết hợp kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh phải được thực hiện một cách toàn diện, nhưng cần tập trung có trọng điểm theo từng ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ, gắn với mục tiêu yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, cần tập trung chỉ đạo kết hợp trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; các dự án trọng điểm quốc gia; các dự án chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, biển, đảo; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế; xây dựng căn cứ chiến lược, hậu phương chiến lược, các công trình quốc phòng; đầu tư phát triển khoa học công nghệ ở trình độ cao; xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong đó, cần coi trọng tính “lưỡng dụng” của các chương trình, dự án. Cần coi trọng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Đây là vấn đề chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia đầy đủ hơn vào các thiết chế trong khu vực và toàn cầu. Điều đó đòi hỏi chúng ta vừa phải hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, tích cực, vừa phải mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh trong suốt quá trình hội nhập.
Năm là, củng cố kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách quốc phòng, an ninh các cấp.Kết hợp chặt chẽ giữa chấn chỉnh, kiện toàn với chăm lo bồi dưỡng nâng cao năng lực trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ chuyên trách làm tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp về thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh là mối quan hệ biện chứng, được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngày nay, mối quan hệ này càng có vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh nước ta xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh là đòi hỏi tất yếu khách quan trong suốt quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặng Đình Hoàng