Quan điểm của Đảng thể hiện rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với quốc phòng, an ninh (QPAN) là mối quan hệ thống nhất, hữu cơ, gắn bó chặt chẽ, tạo tiền đề, điều kiện cho nhau cùng phát triển. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Cần tăng cường thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với QPAN, đặc biệt là ở các vùng chiến lược, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ).
Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn
Kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QPAN nhằm tạo ra thế bố trí chiến lược mới cả về kinh tế lẫn QPAN theo kế hoạch phòng thủ chiến lược vững chắc toàn diện và mạnh ở từng vùng trọng điểm. Hiện nay, nước ta đã quy hoạch hình thành các vùng kinh tế lớn và 4 vùng KTTĐ, gồm: Vùng KTTĐ Bắc Bộ, KTTĐ miền Trung, KTTĐ phía Nam và KTTĐ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về QPAN, mỗi vùng KTTĐ, đô thị lớn lại nằm trong các khu vực phòng thủ then chốt, nơi có nhiều đối tượng, mục tiêu quan trọng phải bảo vệ. Vì vậy, cần thực hiện thật tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QPAN ở các vùng này. Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển KT-XH và bảo đảm QPAN ở một số nơi gắn kết chưa thật chặt chẽ... An ninh, trật tự và an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp. Mỗi vùng chiến lược có những nét đặc thù, yêu cầu khác nhau, đòi hỏi việc kết hợp phát triển KT-XH với QPAN cần toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm.
Một trong những nội dung quan trọng là phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH với xây dựng kết cấu hạ tầng của nền quốc phòng toàn dân. Trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp tập trung khu kinh tế phải có sự gắn kết với quy hoạch xây dựng tiềm lực QPAN, xây dựng các tổ chức chính trị, đoàn thể... Khắc phục tình trạng chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế trước mắt, coi nhẹ, thậm chí thiếu sự gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ QPAN. Xây dựng, phát triển KT-XH ở các vùng KTTĐ phải nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh thời bình và nhu cầu chi viện cho các chiến trường, hướng chiến lược khi xảy ra chiến tranh. Quản lý chặt chẽ khu vực tập trung đông người lao động, nhất là lao động người nước ngoài, các khu công nghiệp, khu du lịch, kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm luật pháp Việt Nam.
Đối với vùng biển, đảo
Vùng biển, đảo nước ta có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, chính trị, QPAN… Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế đó còn nhiều hạn chế; bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp chủ quyền, tài nguyên trên Biển Đông diễn ra rất phức tạp… Vì vậy, việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QPAN trên vùng biển, đảo là đòi hỏi cấp thiết và rất quan trọng, nhằm nhanh chóng tạo ra thế và lực đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trước hết, cần kết hợp trong xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển KT-XH gắn với xây dựng thế trận QPAN bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, làm cơ sở cho việc thực hiện kết hợp KT-XH với QPAN một cách cơ bản, toàn diện, bền vững, lâu dài. Lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng cần tăng cường giao lưu quốc tế, phối hợp tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhằm góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Quy hoạch, lựa chọn những thành phố, thị xã trọng điểm ven biển có vị trí thích hợp để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn, vừa là “bàn đạp” tiến ra biển, vừa là “đầu tàu” kéo các vùng kinh tế khác phát triển. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút dân cư đến ở và lập nghiệp lâu dài trên các đảo, quần đảo, nhất là các đảo xa bờ.
Hai là, tăng cường xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh. Chú ý bố trí các lực lượng bảo đảm cân đối, hợp lý và khả năng phối hợp, hiệp đồng trong thực hiện nhiệm vụ. Coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là xây dựng các đảo và quần đảo trở thành các “pháo hạm” kiên cố; tích cực bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phòng thủ bảo vệ biển, đảo để bảo đảm giữ vững chủ quyền, ngăn chặn xung đột vũ trang trên biển.
Ba là, phát triển các loại hình dịch vụ trên biển, đảo, tạo điều kiện cho người dân bám biển, sinh sống, làm ăn. Chú trọng đầu tư phát triển chương trình bám biển, đánh bắt xa bờ, củng cố lực lượng dân quân biển, tự vệ trong các hải đoàn, doanh nghiệp hoạt động trên biển, các lực lượng thực thi pháp luật (cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng...) để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo, làm nòng cốt cho phát triển kinh tế biển và tạo thế bảo vệ vững chắc các điểm, đảo đóng quân, nhà giàn DK1...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QPAN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ và lâu dài, trong đó đặc biệt chú trọng việc kết hợp trong xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch thống nhất. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thống nhất sẽ làm tiền đề cho việc triển khai, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Rà soát các chương trình, dự án về kết hợp KT-XH với QPAN thời gian qua; đồng thời đánh giá nhận thức, quan điểm và hoạt động kết hợp KT-XH với QPAN của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó đưa ra dự báo, yêu cầu kết hợp giữa phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QPAN cho từng thời kỳ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; chủ động điều chỉnh các chiến lược khác cho phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển KT-XH với QPAN.
Cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và của cả hệ thống chính trị về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QPAN, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án kết hợp KT-XH với QPAN. Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chương trình, dự án kết hợp KT-XH với QPAN; đồng thời tích cực, chủ động điều chỉnh, bổ sung nhân lực, vật lực và các yếu tố khác nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đó. Ở đây, việc tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và hệ thống chính trị còn phải được biểu hiện ở năng lực quản lý, điều hành phối hợp và thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát, lãng phí trong quá trình tổ chức thực hiện,...
Kết hợp xây dựng phát triển KT-XH gắn với tăng cường QPAN ở các vùng KTTĐ, đô thị lớn, biển, đảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
QĐND